Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Trung Đông vốn là thị trường xuất khẩu (XK) cá ngừ tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến XK sang thị trường này nhiều thăng trầm. Hiện Israel, Ai Cập và Libăng là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối thị trường này. Nếu như năm 2020, xuất khẩu cá ngừ sang Israel bị ngưng trệ, sang năm nay XK cá ngừ sang thị trường này đã tăng trở lại. Hiện Israel là thị trường XK cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, chiếm 6% tổng trị giá XK cá ngừ của cả nước trong 10 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm 2020, XK cá ngừ sang thị trường này tăng 39%. Trong khi đó, XK sang Ai Cập lại sụt giảm sau khi bùng nổ vào năm ngoái. Năm 2019, XK cá ngừ của Việt Nam sang Ai Cập có thời điểm tăng đến 3 con số, năm 2020 XK sang thị trường này tăng 63%. Nhưng bước sang năm 2021, XK sang thị trường này bị ngưng trệ; trị giá XK cá ngừ cũng giảm đáng kể, khoảng 4%. Cùng với Ai Cập, XK cá ngừ của Việt Nam sang Libăng cũng giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Trị giá XK sang thị trường này đạt gần 3,4 triệu USD, chiếm 6% tổng trị giá XK cá ngừ sang khu vực thị trường này. Năm 2021, có 28 doanh nghiệp tham gia XK cá ngừ sang thị trường Trung Đông. Trong đó, dẫn đầu là Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam), Công ty CP Đồ hộp Tấn Phát và Công ty CP Thuỷ sản Bình Định (Bidifisco), chiếm gần 60% tổng trị giá XK sang thị trường Trung Đông. Hiện, đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát tại các thị trường, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp đã bình ổn trở lại. Nhưng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ từ khu vực Trung Đông dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt tại các thị trường như UAE hay Yemen. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đều đang nỗ lực vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường đang gia tăng. |