(CMO) Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với mạng lưới khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tổ chức Vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp ÐBSCL năm 2021. Kết quả chung cuộc, giải Nhất thuộc về Dự án “HALOFAI - Hương vị từ đất mặn” của thí sinh Lâm Quốc Nhựt, tỉnh Cà Mau. Ðây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Cà Mau nhận giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực. Ðây thật sự là động lực và có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhà.Anh Lâm Quốc Nhựt tâm sự: “Khi gặp được Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), nghe anh chia sẻ về phong trào khởi nghiệp ở Cà Mau, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp trẻ, bản thân “cảm” được và quyết tâm về quê, bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp”. Nhiều cảm hứng Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn bộc bạch: “Qua 3 cuộc thi gần đây cho thấy, phong trào khởi nghiệp trẻ ngày thêm mạnh mẽ và gặt hái được những thành công nhất định; đặc biệt là ý tưởng đoạt giải Nhất năm ngoái của Hợp tác xã ba khía Ðầm Dơi. Trung tâm đã hỗ trợ Hợp tác xã ba khía Ðầm Dơi nâng cấp bao bì, sản phẩm; sửa lại logo. Thành công đó là nỗ lực vươn lên của cá nhân 2 bạn trẻ và sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương”. Một bạn trẻ, chủ trang trại trồng nấm ở ấp Vịnh Gốc A, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cô gái nhỏ nhắn có cái tên Trần Mai Ril đang phát triển nghề trồng nấm sạch với nhiều loại khác nhau. Chưa dừng lại ở đó, cô còn tư vấn cho nhiều người có cùng đam mê với mình và mong muốn khởi nghiệp từ các loại nấm. Mai Ril chia sẻ: “Tôi biết đến các sản phẩm khởi nghiệp trước đó qua các giải thưởng; biết từ các cuộc thi khởi nghiệp trong tỉnh và khu vực; biết đến Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn qua những gì anh truyền cảm hứng thông qua những câu chuyện khởi nghiệp, từ đó quyết tâm về quê khởi nghiệp bằng chính ý tưởng của mình".
Năm 2021, iPEC phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội đồng tư vấn, xét duyệt 40 dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Kết quả qua xét duyệt vòng 1, đã chọn được 8 dự án, ý tưởng khởi nghiệp để tiếp tục xét chọn vào vòng 2; kết quả hội đồng tại vòng 2 chọn 6 dự án đề xuất hỗ trợ, tài trợ. Cùng khởi nghiệp Ðoàn thanh niên, Hội LHPN từ những bỡ ngỡ ban đầu trong công tác triển khai, nhân rộng những mô hình khởi nghiệp; nay đã xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quá trình hoạt động. Có thể nói, các cấp hội trong tỉnh vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, có nhiều bước đột phá, đổi mới sáng tạo trong triển khai và đạt được kết quả khá toàn diện; tiêu biểu trong triển khai Ðề án 939 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. “Song song đó là tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, “Chợ phiên khởi nghiệp” quảng bá, giới thiệu, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh và khu vực; phối hợp với các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho 1.180 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh; hàng năm triển khai phát động hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh, khu vực và Trung ương tổ chức”, chị Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết.
Ðặc biệt, năm 2021, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh xét chọn 4/35 ý tưởng, dự án của hội viên phụ nữ đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện từ 50-100 triệu đồng (gồm: Hợp tác xã ba khía Ðầm Dơi - sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương, Hợp tác xã mắm mào gà, tôm rang Ngọc Giàu, nhân nuôi nấm dược liệu đông trùng hạ thảo). Với nhiều hoạt động thúc đẩy, tạo hiệu ứng tích cực, trở thành phong trào hành động lan toả sâu rộng trong cộng đồng về sáng tạo khởi nghiệp, nhiệm kỳ qua, các cấp hội hỗ trợ 907 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (vượt 453,5% chỉ tiêu nghị quyết). Chị Nguyễn Hồng Thắm, Phó bí thư Tỉnh đoàn, bộc bạch, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trẻ ở cơ sở phát triển mạnh mẽ với những ý tưởng khởi nghiệp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các kênh quảng bá của các bạn chỉ dừng lại ở các trang mạng xã hội, học truyền miệng nhau trong quá trình các bạn hình thành và phát triển mô hình. Nhằm hỗ trợ các bạn trong việc quảng bá sản phẩm, Tỉnh đoàn đang xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của các bạn tại cơ quan Tỉnh đoàn. Ðây hứa hẹn là kênh phân phối các sản phẩm khởi nghiệp cho các bạn trẻ, giúp mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. "Thay mặt iPEC, tôi đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập các mạng lưới tư vấn cho các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc của tỉnh. Các bạn trẻ là người Cà Mau, đi đâu mệt mỏi, hãy quay về với nguồn tài nguyên bản địa để để khởi nghiệp. Trung tâm sẽ hỗ trợ hết mình cho các ý tưởng khởi nghiệp”, Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn tâm huyết./.
Phú Hữu
|