Bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm,ảovệquyềnlợichínhđángngườitiêudùlbd hn hom nay công bằng, minh bạch, đúng pháp luật là một trong những quan điểm được các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức chiều 5/4 vừa qua.
Bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề được xã hội quan tâm. Luật pháp của Việt Nam rất nghiêm minh và luôn hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12) đi vào cuộc sống, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến phương thức sản xuất, kinh doanh của xã hội, khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gây thiệt hại nhiều mặt cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Để bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn, việc sửa đổi luật đang được triển khai xây dựng, lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng là “thượng đế”, quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn lấy người tiêu dùng làm trung tâm phục vụ. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào các “thượng đế” cũng được phục vụ tương xứng với đồng tiền đã bỏ ra khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Khoan bàn đến thế nào là tương xứng giữa đồng tiền bỏ ra với hàng hóa, dịch vụ được nhận, bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng dù sao, khi hàng hóa, dịch vụ được trưng bày, niêm yết công khai và khách hàng đã trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm tra, tức là đã thuận mua, vừa bán. Điều nhức nhối hiện nay là hàng thật, hàng giả lẫn lộn; quảng cáo một đường, chất lượng sản phẩm một nẻo, nhất là đối với phương thức mua bán thương mại điện tử.
Nếu trước đây, các vấn đề chất lượng, giá cả, phương thức giao nhận của hàng hóa, dịch vụ là vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất và các tranh chấp cũng thường tập trung vào các lĩnh vực này. Nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, nhất là thương mại điện tử thì vấn đề đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng phức tạp, khó khăn. Đơn cử như thông tin cá nhân, trước đây ít ai nghĩ sẽ trở thành một loại hàng hóa, thì nay được mua bán, gây không ít phiền lụy cho người tiêu dùng, thậm chí dùng để lừa đảo. Thời gian qua không ít đối tượng tội phạm đã giả danh các cơ quan chức năng gọi điện, gửi tin để lừa đảo người dân. Gần đây là các vụ lừa đảo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền để cấp cứu con bị tai nạn giao thông; sử dụng công nghệ Deepfake làm giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại để nhờ/yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt…
Để bảo vệ người tiêu dùng, việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật là một phương thức bảo vệ từ sớm, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm các quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cả doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp, góp phần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Với người tiêu dùng, khẩu hiệu hãy trở thành người tiêu dùng thông thái không bao giờ lạc hậu. Người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ mình, nâng cao kiến thức, thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và thông thái khi chọn mua sản phẩm, dịch vụ. Khi bị xâm phạm về quyền lợi, người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng, nhờ các cơ quan chức năng, hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng (tại Thừa Thiên Huế hội được thành lập từ năm 2021) bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Có thể giá trị món hàng hóa, dịch vụ bị xâm phạm không lớn, nhưng đó là đóng góp tích cực để bảo vệ cộng đồng người tiêu dùng, làm chùn tay những người sản xuất, kinh doanh thiếu trung thực, gian dối, phi pháp…