Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.H |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã triển khai chính thức được gần 10 năm và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã triển khai chính thức hơn 6 năm.
Nhìn chung các nội dung quy định tại các nghị định đã và đang đáp ứng các yêu cầu về quản lý hải quan cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số điểm tồn tại, không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chưa phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, như: quy định về khai, nộp hồ sơ hải quan; quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển; quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp, công tác kiểm tra sau thông quan, các quy định liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ 2 lần vào năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, do còn ý kiến liên quan nội dung quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ nên dự thảo Nghị định chưa được phê duyệt.
Trong tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Tính đến ngày 30/10/2024, Tổng cục Hải quan đã nhận được 123 văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Các ý kiến tham gia tập trung phần lớn vào một số nội dung như: thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ; quy định liên quan đến gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất; thủ tục hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu; quy định về người khai hải quan, quy định về kiểm tra sau thông quan...
Hiện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan đang khẩn trương nghiên cứu tiếp thu giải trình các ý kiến đã nhận được.
Ngoài ra, để hệ thống pháp luật hải quan được quy định đồng bộ, thống nhất, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 10 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo Thông tư này.
Thông qua hội nghị này, với mục tiêu xây dựng Nghị định và Thông tư phù hợp với thực tế công tác quản lý của cơ quan Hải quan cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan mong muốn trực tiếp lắng nghe các ý kiến tham gia, trao đổi của các doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư, đặc biệt là một số nội dung sửa đổi mới, trọng tâm, có sự thay đổi cơ bản khi làm thủ tục hải quan.
Ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, VLA góp ý tại hội thảo. |
Tại hội thảo nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao nội dung sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 08/2015/NĐ-CP và 2 thông tư nêu trên nhằm phù hợp với thực tế XNK hàng hóa trong tình hình mới.
Một số doanh nghiệp cho biết, đã có văn bản góp ý cụ thể gửi đến cơ quan Hải quan đối với dự thảo Nghị định 08.
Trong phần thảo luận đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp rất cụ thể cho nội dung từng điều, khoản của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 và Thông tư 39 về thủ tục hải quan, chính sách thuế, kiểm tra giám sát hải quan…
Ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc công khai minh bạch chính sách của cơ quan Hải quan. Các dự thảo nghị định, thông tư lấy ý kiến doanh nghiệp tại hội thảo này cũng đã được Tổng cục Hải quan tổ chức lấy ý kiến góp ý cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần.
Với VLA, ngay từ đầu năm 2021, Hiệp hội đã có những cuộc hội thảo góp ý trực tuyến với Cục Giám sát quản lý– Tổng cục Hải quan và đã có nhiều ý kiến góp ý cụ thể.
Đối với bản dự thảo lần này, VLA góp ý nhiều nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên, thủ tục hải quan, phí và lệ phí hải quan…
Đối với điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên, VLA kiến nghị điều chỉnh "khoản 1, Điều 10. Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên: kiến nghị nên có phương án mở với tiêu chí “Điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế được đánh giá trong 2 năm liên tục tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên...”.
Nên bổ sung: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ phê duyệt các trường hợp đặc biệt cần xem xét cho phép áp dụng chế độ ưu tiên với thời hạn đánh giá ít hơn 24 tháng, dựa theo các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa bàn doanh nghiệp trú đóng.
Lý do VLA đề nghị bổ sung, bởi vìcó nhiều nhà đầu tư “đại bàng” đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tính tuân thủ cao, dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư, qui mô siêu lớn, nhưng phải chờ trên 2 năm mới được xem xét chế độ ưu tiên. Trong khi, nếu cấp sớm cho các doanh nghiệp này sẽ là biện pháp khuyến khích đầu tư thực chất và giảm tải rất nhiều áp lực công việc cho ngành Hải quan.
Đại diện Phòng XNK, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, công ty chuyên nhập khẩu sữa nguyên liệu có rất nhiều nội dung mở cho doanh nghiệp, chứng từ kiểm tra chuyên ngành được trừ lùi. Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp, đại diện công ty đã góp ý cụ thể liên quan đến thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ngoài việc ghi nhận, tiếp thu các nội dung góp ý của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn và đại diện các vụ, cục nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan giải thích, làm rõ các nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của doanh nghiệp. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Tổng cục Hải quan sẽ tổng hợp, nghiên cứu giải trình tiếp thu và hoàn thiện dự thảo nghị định và thông tư.