Tham dự buổi giới thiệu Đề án còn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ quản lý chuyên ngành; văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đại diện tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Dự án tạo thuận thương mại do USAID tài trợ; một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan thông tấn, báo chí. Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương. Theo Tổng cục trưởng, mặc dù công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra. “Trong nhiều báo cáo, cũng như ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó, hiệu quả kiểm tra không cao. Trong vòng năm năm tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng chưa đến 0,03% so với tỉ lệ mẫu đưa ra” – Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh đồng thời cho biết thêm, vấn đề đáng lo ngại chính là chưa đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của doanh nghiệp”- Tổng cục trưởng cho biết thêm. Chính vì vậy, cùng với các giải pháp cải cách đang được đẩy mạnh của Chính phủ, cùng với việc kết nối liên thông một cửa quốc gia thì lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành cần đồng bộ. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp các hiệp hôi, bộ ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK”. Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Đây là chủ trương lớn, cải cách, tiên tiến, phù hợp các nước tiên tiến. Tại buổi giới thiệu đề án, các nội dung quan trọng được đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan thông tin tới đại biểu. Theo đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay; nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; kế thừa những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính với sự phối hợp, hỗ trợ từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức liên quan và các chuyên gia nghiên cứu độc lập đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, phản biện để xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Đề án nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngày 16/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án. Theo mô hình Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; Giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng. Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn: Giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm. Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu). Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp. Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Tại buổi giới thiệu, các đại biểu đến từ các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức sẽ cùng tham gia trao đổi, thảo luận về Đề án; đồng thời tham vấn các đơn vị báo chí, truyền thông.
|