Địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều khu dân cư có hệ thống giao thông nội bộ nhỏ hẹp và hạ tầng PCCC hầu như không có. Vì vậy,ữachaacuteytừcơsởkqbd hnay khi không may xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại thường rất lớn do xe cứu hỏa của lực lượng công an không thể tiếp cận. Từ thực tế này, thời gian qua Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã phối hợp công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.
Mô hình được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra - vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Các “Điểm chữa cháy công cộng” sẽ được trang bị những phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm cộng lực để phá dỡ, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC. Việc xây dựng và đưa mô hình này đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy được tính chủ động, tương trợ giữa các hộ dân trong một khu dân cư. Đặc biệt, phát huy được phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, tận dụng “thời gian vàng” 5 phút ban đầu từ khi cháy xảy ra để dập tắt đám cháy, cứu người và tài sản.
Cán bộ công an hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy tại “Điểm chữa cháy công cộng” tổ 5, khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài
Trung tá Phan Văn Quỳnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Việc triển khai, xây dựng mô hình đã nhận được sự quan tâm, phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương; đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, ban đầu triển khai cũng có một số khó khăn như trang thiết bị mua sắm trên tinh thần tự nguyện đóng góp nên một số người dân còn e ngại, chưa nhiệt tình hưởng ứng. Song, sau khi được cán bộ công an vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích, hiệu quả của việc xây dựng mô hình trong chữa cháy, người dân đã hiểu rõ và tích cực ủng hộ.
Ông Đặng Ngọc Ánh trú tổ 5, khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” rất thiết thực, hữu ích. Tổ 5 đường hẹp, chỉ khoảng 2m nên khi xảy ra hỏa hoạn thì xe chữa cháy không thể vào ngay được. Vì vậy, có điểm chữa cháy công cộng, người dân sẽ nhanh chóng, kịp thời chữa cháy, cứu người gặp nạn.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 36 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Mô hình khi được triển khai tại các khu dân cư bước đầu đã phát huy hiệu quả khi ý thức chấp hành pháp luật của người dân về PCCC được nâng cao. Người dân từ chỗ xem PCCC là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát, thì nay đã hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này. Nhờ đó, việc thực hiện các quy định về an toàn cháy, nổ trên địa bàn được chủ động chấp hành nghiêm. |
Để phát huy hiệu quả mô hình, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ năng về PCCC và CNCH cho người dân để có thể sử dụng thành thục các loại bình chữa cháy, công cụ hỗ trợ, tham gia ứng cứu khi không may xảy ra cháy, nổ. Ông Nguyễn Long, trú khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện cho biết: Có “Điểm chữa cháy công cộng”, lại được lực lượng công an đến hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, cách bảo quản công cụ chữa cháy và CNCH; kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy, nổ, giúp người dân nâng cao ý thức, kỹ năng PCCC và CNCH.
Trung tá Phan Văn Quỳnh cho biết thêm: Thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị công an cấp huyện, xã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân duy trì hoạt động của các mô hình; đồng thời tổ chức rà soát, tiếp tục phát động, nhân rộng các mô hình mới trên toàn tỉnh.