Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hồ Chí Minh (khóa X). Ảnh: Gia Cư |
Theo tờ trình của UBND thành phố, dự án vành đai 3 thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án). Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, dự kiến khởi công từ quý 4/2023.
Đường vành đai 3 được thực hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe (bố trí không liên tục). Dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.
Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh hơn 24.000 tỷ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần, thì địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ nguồn ngân sách địa phương.
Để thực hiện dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh có tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án vành đai 3. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án vành đai 3 ảnh hưởng đến 16,8 ha đất rừng (rừng trồng) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Vì vậy, kiến nghị HĐND TP. Hồ Chí Minh xem xét, thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khách để thực hiện dự án vành đai 3./.