Thời gian này,ủđộngphngccbệxoi lac bong da hom nay những bệnh cúm A/H1N1, A/H5N1 rất dễ mắc trong cộng đồng. Bệnh lây truyền từ người sang người và có tốc độ lây lan rất nhanh. Trong khi bệnh cúm A/H1N1 thường nhiều người mắc và ít nguy hiểm, thì bệnh cúm A/H5N1 nguy cơ tử vong cao hơn. Những ngày gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có trường hợp tử vong do bệnh cúm A/H1N1. Để giúp người dân hiểu và phòng tránh tốt hai bệnh cúm này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Lành (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Thưa ông, có thể hiểu về bệnh cúm A/H1N1 ?
- Bệnh cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa rất thường gặp, bệnh thường mắc nhiều vào thời điểm giao mùa, thường ít nguy hiểm. Bệnh lây rất nhanh, lây trực tiếp từ người qua người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi-rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Triệu chứng thường gặp là ho, hắt hơi, sốt cao, nhức đầu, đau cơ,… nếu biến chứng viêm phổi có thể gây khó thở. Đa số các trường hợp mắc bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần. Trừ những trường hợp có biến chứng do bội nhiễm. Nếu tử vong do cúm thường gặp ở những người có bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư, các bệnh suy giảm miễn dịch,…
Bệnh cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào, thưa ông ?
- So với bệnh cúm A/H1N1 thì cúm A/H5N1 nguy cơ tử vong cao hơn, một số triệu chứng đặc trưng riêng nhận biết cúm A/H5N1 là sốt cao dai dẳng, viêm kết mạc mắt, có tình trạng suy đa ngũ tạng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim,… Nguồn lây cúm A/H5N1 là từ gia cầm bị bệnh. Bệnh nguy hiểm nhưng hiện không có vắc-xin phòng bệnh nên người dân cần đặc biệt quan tâm phòng lây bệnh này.
Vậy giải pháp nào để phòng cúm A/H1N1 tốt nhất, thưa ông ?
- Phòng bệnh cúm A/H1N1 chủ động hiệu quả nhất bằng cách tiêm ngừa. Hiện tại có vắc-xin phòng bệnh cúm mùa đang được triển khai tiêm ở các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ của tỉnh. Hiệu quả phòng bệnh khi tiêm vắc-xin này được miễn dịch trong 1 năm nên mỗi năm người dân phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa. Giá vắc-xin hiện nay trên 200.000 đồng một mũi tiêm. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Thời gian qua, người dân nhiều người chưa biết về loại vắc-xin này nên số người tiêm rất hạn chế so với dân số của tỉnh. Trung bình mỗi năm chỉ có trên 3.000 người tiêm.
Ông có những lời khuyên gì để người dân phòng tránh lây bệnh cúm A/H1N1 cũng như cúm A/H5N1 hiệu quả, thưa ông ?
- Đối với bệnh cúm A/H1N1 có vắc-xin phòng bệnh tôi khuyên mọi người nên chủ động tiêm vắc-xin. Nhất là những đối tượng dễ mắc bệnh như trẻ em dưới 5 tuổi và người già do hệ miễn dịch kém. Còn bệnh cúm A/H5N1 không có vắc-xin phòng ngừa nên việc phòng bệnh cần được quan tâm hơn, tránh tiếp xúc và ăn gia cầm bị bệnh. Những giải pháp chung để phòng 2 bệnh này hiệu quả là người dân nên giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tránh tập trung nơi đông người vào những mùa dễ bùng phát bệnh cúm. Khi đến nơi đông người nên đeo khẩu trang để bảo vệ. Mỗi người cần có ý thức khi ho, hắt hơi phải che lại, tránh làm lây bệnh cho người khác. Phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ nước, bổ sung vitamin C,… Tập luyện thể dục hàng ngày để tăng cường sức đề kháng. Nếu đã bị bệnh nên điều trị, nghỉ ngơi để bệnh mau hồi phục và tránh lây cho người khác.
Xin cảm ơn ông !
HỒNG DIỄM thực hiện