Tăng mức phạt vi phạm trốn thuế gấp 3 lần
Theo đánh giá của các chuyên gia về hải quan, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP (Nghị định 128) được ban hành thay thế các Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 127/2013/NĐ-CP có nhiều điều khoản quy định chặt chẽ rõ ràng đối với các hành vi trốn thuế, vi phạm hành chính và mức phạt được tăng lên, đảm bảo tính răn đe, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả xử lý vi phạm về hải quan.
Cụ thể, so với các nghị định trước đây, Nghị định 128 quy định rõ 13 hành vi trốn thuế làm căn cứ để cơ quan hải quan cũng như các cơ quan chức năng áp dụng.
Đó là các hành vi: sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế.
Tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.
Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được Bộ Tài chính, cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế theo quy định.
Vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 9 mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm.
Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất.
Khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về lượng, chủng loại, sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất, hàng tái xuất.
Không kê khai về nguyên liệu, vật tư mua trong nước có thuế xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu.
Khai sai phần trị giá nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công làm tăng số tiền thuế được miễn đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu trở lại Việt Nam. Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan.
Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa.
Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp. Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng, định lượng, điều kiện theo quy định pháp luật. Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
Nghị định 128 quy định, người nộp thuế có hành vi vi phạm nêu trên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt 01 lần số tiền trốn thuế trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền trốn thuế.
Nghiêm khắc hơn đối với vi phạm về tạm nhập, tái xuất
Phân tích của một số cơ quan hải quan tỉnh, thành phố cũng cho thấy, theo Nghị định 128 thì mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa có nhiều thay đổi mang tính nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe.
Cụ thể, Nghị định 128 đã tăng mức phạt tiền lên 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với một số hành vi tạm nhập, tái xuất hàng hóa (trừ hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất) phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất mà không có giấy phép (trước đây phạt từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng). Ngoài ra còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
Trường hợp tạm xuất, tái nhập hàng hóa phải có giấy phép tạm xuất, tái nhập mà không có giấy phép, trừ trường hợp tạm xuất, tái nhập hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập bị phạt 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng (trước đây phạt từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng).
Đồng thời, Nghị định 128 tăng nặng mức phạt tiền lên từ 80.000.000 đồng – 100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất (trước đây phạt từ 30.000.000 đồng – 60.000.000 đồng). Bên cạnh đó còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo Nghị định 128: Đối với vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng hoặc số tiền thuế trốn, số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn trên nếu cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt. |
Song Linh