Thứ trưởng Vũ Thị Mai (trái) và ông Kozo Shiraji tại buổi tiếp. Phát biểu tại buổi tiếp,ếnnghịBộTàichínhưuđãithuếkết quả perth sc Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Quan điểm, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng hoan nghênh Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 của Mitsubishi Motors tại Việt Nam.
Chia sẻ với lãnh đạo Bộ Tài chính cụ thể về dự án, ông Kozo Shiraji cho biết: Việt Nam là một trong những địa bàn sản xuất quan trọng, thị trường tiềm năng của tập đoàn trong khu vực Đông Nam Á với nguồn lao động trẻ, có tay nghề ưu tú - những lợi thế lớn trong lĩnh vực sản xuất xe máy, ô tô.
Hiện nay, Mitsubishi Motors đã có một nhà máy sản xuất ô tô tại TP.HCM và đang tiến hành nghiên cứu Kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 ở Việt Nam. Dự kiến, nhà máy này sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD và bắt đầu sản xuất từ giữa năm 2020 với công suất dự kiến 50 nghìn chiếc/năm. Công suất này sẽ được tăng thêm hơn 30 nghìn chiếc/năm vào năm 2023. Với công suất đó, nhà máy có thể giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Tập đoàn đang quan tâm tới các địa điểm đặt nhà máy là các khu công nghiệp, khu kinh tế đã phát triển sẵn, gần cảng biển và có khả năng vận chuyển lớn cho nội địa và quốc tế,... và tin tưởng rằng dự án sẽ góp phần hỗ trợ cho phát triển KT-XH của Việt Nam.
Để dự án có thể phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch Mitsubishi Motors đưa ra một số kiến nghị về chính sách thuế tới Bộ Tài chính. Về chính sách mới, ông Kozo đề nghị xem xét miễn thuế cho linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô NK để tăng sức cạnh tranh cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước trước bối cảnh xe nguyên chiếc NK từ ASEAN đã được hưởng ưu đãi 0%; miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần nội địa hóa của các dòng xe sản xuất trong nước đồng thời giảm 10% thuế với các dòng xe sản xuất trong nước trong ít nhất 10 năm. "Tôi hiểu là nếu ưu đãi như trên có thể sẽ mâu thuẫn với cam kết WTO, do đó, những chính sách ưu đãi thuế này có thể khó để đưa ra quyết định. Song, chúng tôi cũng mong Chính phủ Việt Nam cùng nghiên cứu những chính sách hỗ trợ khác có điều kiện tương tự để hỗ trợ", ông Kozo Shiraji nói.
Với các chính sách hiện tại, phía Mitsubishi Motors mong muốn nhà máy đang hoạt động được miễn thuế NK linh kiện từ năm 2018 cho đến khi nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động.
Theo ông, việc đầu tư các dự án sản xuất ô tô có khả năng “bám rễ” rất chắc vào thị trường, hầu như không bị ảnh hưởng khi các yếu tố khác như giá cả, lao động,... thay đổi nên có thể duy trì sự tồn tại có thể lên tới 20 năm. Do vậy, đại diện Mitsubishi Motors hi vọng Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam hỗ trợ để Tập đoàn có thể thuận lợi triển khai dự án này.
Trực tiếp giải đáp các kiến nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Về vấn đề miễn thuế linh kiện ô tô nhập khẩu, Chính phủ đã có Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có quy định miễn thuế nhập khẩu cho mặt hàng này từ 1/1/2018 đến năm 2022. Dĩ nhiên, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc về quy mô sản xuất, sản lượng tối thiểu,... Hy vọng Tập đoàn sẽ hoàn thiện để đáp ứng các điều kiện này và hưởng ưu đãi như mong muốn.
Những kiến nghị liên quan đến thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thứ trưởng nêu quan điểm: Bất cứ chính sách thuế nào đưa ra đều phải đảm bảo đúng cam kết quốc tế, cam kết WTO. Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong dự thảo có phương án là không thu thuế với phần nội địa hóa nhưng cũng có phương án là giữ nguyên như hiện nay. Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan và Chính phủ còn phải xem xét đến các cam kết, đặc biệt là trong WTO để có thể đưa ra chính sách phù hợp mà không vi phạm các cam kết này.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đề nghị Tập đoàn cung cấp một số kinh nghiệm quốc tế về các chính sách hỗ trợ khác để Bộ Tài chính nghiên cứu, hỗ trợ trong trường hợp các chính sách thuế ưu đãi không thể đáp ứng.
“Chính phủ và Bộ Tài chính luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đồng thời mong muốn có thể hỗ trợ hết sức để khuyến khích nội địa hóa sản xuất trong nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh. |