Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cam kết sản xuất đảm bảo an toàn, trách nhiệm |
Để hiểu rõ về quy trình đầu tư, xử lý, đánh giá tác động môi trường của Dự án Hoa Sen - Cà Ná khi được chấp thuận đầu tư, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen xung quanh vấn đề trên.
Trong những năm qua, Tập đoàn Hoa Sen được đánh giá là doanh nghiệp đầu tư bài bản và làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, Dự án Hoa Sen - Cà Ná mà tập đoàn đang xin chủ trương đầu tư lại vấp phải ý kiến dư luận lo ngại liệu có ảnh hưởng tới việc xử lý môi trường như Formosa. Quan điểm góc độ nhà đầu tư khu công nghiệp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Theo tôi, việc vận hành một khu công nghiệp (KCN) hay một nhà máy sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng thì môi trường là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, không có cơ sở để khẳng định, cứ đầu tư KCN thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề chất thải, khí thải là tất yếu đối với bất cứ một ngành sản xuất nào, đặc biệt là ngành thép. Nhưng tôi cho rằng, với công nghệ hiện đại như hiện nay thì việc xử lý chất thải hoàn toàn có thể kiểm soát tốt để không gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Cụ thể, đối với ngành thép, theo kinh nghiệm tổng hợp khi tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới. Thực tế cho thấy, đã có hàng trăm tổ hợp thép ở vùng ven biển hoặc ngay giữa thành phố hoặc thủ đô vẫn hoạt động hàng chục năm qua ở châu Âu, ở Nhật Bản… nhưng không hề xảy ra vấn đề về môi trường, các nhà máy vẫn hoạt động trong lòng khu dân cư. Đó chính là lý do để tôi có thể khẳng định rằng, với công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường trong việc sản xuất thép nếu chúng ta đầu tư một cách nghiêm túc, đặc biệt, trong quá trình vận hành doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ quy trình công nghệ xử lý chất thải với tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ không có vấn đề về môi trường xảy ra.
Nếu thực hiện bài bản thì các nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị gì cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời cần cam kết gì khi thực hiện dự án, thưa ông?
Ngày 27/8 vừa qua, tôi có tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự. Trước Thủ tướng Chính phủ và các ban, ngành trung ương và địa phương, trước nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tôi đã cam kết, chúng tôi sẽ đặt tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường lên trên cả chi phí đầu tư. Nếu Dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước. Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển. Với tinh thần trách nhiệm, với đạo đức kinh doanh và phương châm làm ăn chân chính, một lần nữa tôi khẳng định cam kết của mình.
Nếu việc đầu tư Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận được Thủ tướng chấp thuận, Tập đoàn Hoa Sen tiến hành các hoạt động cho việc đầu tư cụ thể như thế nào, thưa ông?
Đối với việc chuẩn bị thủ tục, hành lang pháp lý cho dự án: Theo Quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017-2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018, dự kiến sử dụng 240ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.
Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án với điều kiện đảm bảo các yếu tố về công nghệ, môi trường. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng đang tiến hành song song các thủ tục pháp lý để phục vụ cho quá trình triển khai dự án.
Về công nghệ, tôi có thể khẳng định, công nghệ thép đã tồn tại hàng trăm năm qua, đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành thép trên thế giới đã có những bước tiến triển vượt bậc về công nghệ. Chính vì thế, để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, chúng tôi đã làm việc với tất cả các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu trên thế giới, như: SMS, Danieli Primetals... để so sánh và lựa chọn phương án tối ưu nhất cho dự án.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi cũng đã thuê đơn vị GMC - một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực thép để tư vấn về công nghệ, môi trường và giám sát trong quá trình vận hành nhà máy sau này. Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi và sự thành công của Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận trong tương lai.
Không chỉ chú trọng vào công nghệ, đối với nguồn nhân lực phục vụ cho dự án cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm, đưa ra kế hoạch khi tuyển dụng nhân sự phải có trình độ cao, đồng thời tiếp tục đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Trong giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi dự kiến sẽ thuê những đội ngũ chuyên gia hàng đầu trên thế giới để vận hành, điều hành nhà máy song song với các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam. Khi dự án đi vào hoạt động ổn định, đội ngũ nhân lực trong nước có thể đảm đương được việc vận hành nhà máy một cách độc lập thì sẽ bàn giao lại cho nhân lực trong nước vận hành, với mục đích hoạt động an toàn, hiệu quả, đảm bảo môi trường.
Trân trọng cảm ơn ông!