Lập cơ quan thông tin thị trường
Phát biểu tại chuyên đề nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay 5/6, tại Hà Nội, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network cho rằng: “Át chủ bài”để phát triển nông nghiệp chính là thị trường. Hiện nay, nông nghiệp phát triển rất tốt, có lợi thế về các điều kiện địa lý, con người, chính sách…
Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo nhưng luôn bị đặt vào tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại, thậm chí còn “mất mùa mất giá”, phải tập trung giải cứu. Do đó, có thể thấy Việt Nam chưa đáp ứng thị trường, phải tìm xem thị trường cần gì để đáp ứng cho phù hợp.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), Bộ NN&PTNT phân tích thêm: Hiện, ngành nông nghiệp Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu nằm trong “top” tỷ USD. Tất cả các cây trồng nhiệt đới, con nuôi nhiệt đới nào có thị trường thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đều tổ chức sản xuất tốt.
Trong thị trường, quan trọng nhất là thông tin thị trường. Hiện nay, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều không có cơ quan phân tích thông tin thị trường. Nếu coi nông nghiệp là “mặt trận” mũi nhọn thì trước mắt phải thành lập cơ quan thông tin thị trường. Cơ quan này không cần trực thuộc Chính phủ, bộ, ngành nào mà nên hình thành theo hình thức hợp tác công tư.
Là người có kinh nghiệm 20 năm làm công tác phân tích thị trường cho doanh nghiệp, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao: Có hai giải pháp nếu làm được sẽ rất hiệu quả. Một là thành lập một nhóm nghiên cứu thị trường luôn luôn “update” thông tin cho nông dân, doanh nghiệp, bộ, ngành. Thứ hai là cần tổ chức nhóm chuyên gia trẻ đi tất cả hội chợ quốc tế uy tín để năm bắt thông tin, học hỏi.
Đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng
Bà Hạnh thông tin thêm, “át chủ bài” để phát triển nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. “Hai năm nay, khi đi khảo sát với các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu, tôi phát hiện thực tế khá sốc là nông dân, doanh nghiệp ít quan tâm tới tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn quốc tế. Đó là bởi Việt Nam chủ yếu xuất nông sản thô, bán tiểu ngạch, không bị xét giấy tờ. Nông sản Việt bị nhiều thị trường khó tính cảnh báo”, bà Hạnh nói.
Để làm rõ hơn tầm quan trọng của tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu, bà Hạnh dẫn chứng, thực tế đã có doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu sản phẩm là cà pháo, mắm tôm sang thị trường Hoa Kỳ song xuất khẩu khá đều đặn, suôn sẻ. Lý do là bởi sản phẩm được chứng nhận đầy đủ theo những yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Doanh nghiệp biết xây dựng nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn ngay từ đầu.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cho hay: Nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt, đồng thời cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Tuy được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá rẻ song chè Việt chủ yếu xuất thô, không có thương hiệu nên lợi nhuân thấp. Bên cạnh chè, trong những năm gần đây, gạo và tiêu den Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh từ nhà xuất khẩu Campuchia.
“Nếu không xây dựng được sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Ngoài tập trung nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần đầu tư kỹ thuật để thiết kế, chế biến, đóng gói sản phẩm cho phù hợp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận trong quá trình xuất khẩu…”, ông Hải nói.
Bổ sung ý kiến về câu chuyện đâu là “át chủ bài” cho sự phát triển của nông nghiệp Việt, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu quan điểm: Đó là vấn đề cơ chế, thể chế. Trong đầu tư các lĩnh vực nói chung, nông nghiệp nói riêng, doanh nghiệp cần vốn, đất, nhưng cần nhất vẫn là cơ chế, là những điều mà Chính phủ, Nhà nước cho phép, khuyến khích làm…Đây là vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện trong thời gian tới.