Giảm thuế Giá trị gia tăng người dân sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá hàng hóa dịch vụ. Ảnh: TL |
PV: Quốc hội vừa thông qua đề xuất của Chính phủ về việc giảm 2% thuế GTGT đối với phần lớn nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết năm 2023, bắt đầu từ 1/7. Ông có bình luận gì về động thái này của Chính phủ?
Ông Phan Hoài Nam |
Ông Phan Hoài Nam:Tôi cho rằng động thái giảm thuế GTGT của Chính phủ là một biện pháp tích cực và kịp thời để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Đây là lần thứ 2 việc giảm thuế GTGT 2% được áp dụng tính từ năm 2022.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, việc giảm thuế này là sự chia sẻ, sự đồng hành của Chính phủ, Quốc hội với DN và người dân.
PV:Theo ông, việc được giảm thuế trực tiếp này sẽ có tác động thế nào đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tăng trưởng kinh tế?
Ông Phan Hoài Nam:Việc giảm trực tiếp thuế GTGT sẽ có tác động tích cực đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN.
Trước hết là kích cầu tiêu dùng. Giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm gánh nặng thuế đối với các nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ, từ đó tăng khả năng tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với DN, giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này sẽ tạo đà thúc đẩy nhanh chóng cho tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phục hồi sau thời gian khó khăn trong năm 2022 và đặc biệt là nửa đầu 2023.
PV:Từ kinh nghiệm của lần giảm 2% thuế GTGT trong năm 2022, theo ông, cần làm gì để việc thực hiện chính sách lần này hiệu quả hơn?
Ông Phan Hoài Nam: Dựa trên kinh nghiệm của lần giảm thuế GTGT trong năm 2022, để việc thực hiện chính sách giảm thuế này thực sự hiệu quả, theo tôi, Chính phủ cần đảm bảo rằng thông tin về việc giảm thuế và các quy định liên quan được công bố rõ ràng để DN và người dân hiểu và thực hiện đúng.
Giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu Theo ông Phan Hoài Nam, mặc dù việc giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 2% sẽ làm giảm số thu ngân sách, nhưng trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế có thể coi là một biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Điều quan trọng là quản lý chi tiêu công cần được thực hiện chặt chẽ để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Ngoài ra, việc giảm thuế có thể kích thích sự phục hồi kinh tế và tăng doanh thu của doanh nghiệp, từ đó tạo ra những cơ hội thu thuế mới. Do đó, việc giảm thuế GTGT có thể được xem như một biện pháp đầu tư vào sự phát triển kinh tế trong dài hạn. |
Bên cạnh đó, việc thực hiện về mặt kỹ thuật liên quan đến cách lập hóa đơn và kê khai cần rõ ràng, nhưng cũng phải xử lý linh hoạt, tránh tình trạng DN phải tốn thêm nguồn lực và chi phí cho việc áp dụng giảm thuế dẫn tới nguy cơ tăng chi phí cho DN. Cơ quan thuế cần rút kinh nghiệm từ việc thực thi các chính sách tương tự trước đây để kịp thời có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho DN khi thực hiện.
Đồng thời, quản lý thuế và kiểm tra thuế cần được cải thiện để đảm bảo tính công bằng và tránh tình trạng lạm dụng, đảm bảo việc hỗ trợ đến đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Cuối cùng, việc theo dõi và đánh giá kết quả của chính sách giảm thuế là rất quan trọng, nhằm điều chỉnh và cải thiện hiệu quả trong tương lai.
PV: Quan sát tình hình sản xuất kinh doanh của các DN thời gian qua, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh của DN từ nay tới cuối năm? Theo ông, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế như trên, cần có thêm những hỗ trợ gì cho DN để đảm bảo sản xuất và tăng trưởng?
Ông Phan Hoài Nam:Tôi cho rằng, triển vọng kinh doanh của các DN từ nay tới cuối năm là khá tích cực. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN tăng cường hoạt động và phát triển. Đồng thời, sự phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ tạo ra nhu cầu tiêu thụ và cơ hội kinh doanh mới cho các DN.
Tuy vậy, việc đạt được kết quả tốt trong kinh doanh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới, biến động giá cả, cạnh tranh thị trường và chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế, Chính phủ nên cân nhắc có thêm những biện pháp khác nhằm đảm bảo sản xuất và tăng trưởng của DN.
Ví dụ như hỗ trợ tài chính. Chính phủ có thể cung cấp các gói tín dụng, vay vốn ưu đãi để giúp DN vượt qua khó khăn tài chính. Điều này có thể bao gồm chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ vốn với lãi suất thấp.
Tiếp đó là cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa là một giải pháp quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Cần xem xét và giảm bớt các thủ tục phức tạp, tăng tính minh bạch và đơn giản hóa quy trình. Điều này giúp giảm thời gian và chi phí đối với DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Bằng cách kết hợp hỗ trợ tài chính và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, Chính phủ có thể đảm bảo rằng DN có đủ nguồn lực tài chính và một môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển sản xuất và tăng trưởng.
PV:Xin cảm ơn ông!
Hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp “hào hứng” để vượt khó Chia sẻ với phóng viên về việc giảm 2% thuế GTGT, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định, đây là chủ trương rất kịp thời hỗ trợ DN của Chính phủ. Các DN rất hoan nghênh chính sách này. Phân tích rõ hơn về tác động tích cực của chính sách giảm 2% thuế GTGT, ông Toàn cho biết, trước hết điều này sẽ giải quyết được vấn đề tinh thần cho DN, làm cho DN cảm thấy “hào hứng” hơn. Điều đó rất quan trọng, bởi DN thấy được sự sẻ chia, đồng hành của Chính phủ, từ đó sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tiếp đó là giải quyết về mặt vật chất. Theo ông Toàn, 2 điều quan trọng nhất với DN là vốn và thị trường. Nếu Nhà nước có bất cứ một chính sách nào hỗ trợ vốn cho DN, chỉ cần vốn tạm thời thì đều rất quý đối với DN. Cùng với chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp DN có nguồn lực tài chính để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc hỗ trợ giảm thuế cho DN, ông Toàn còn nhấn mạnh tới giải pháp hỗ trợ, làm thế nào khởi động lại chương trình lành mạnh hóa trái phiếu DN. Theo ông Toàn, do trái phiếu DN chủ yếu dựa vào lòng tin, không có tài khoản thế chấp, không có công cụ bảo lãnh, chỉ có hỗ trợ bảo lãnh và tín dụng. Vì vậy, lành mạnh hóa bằng cách không tạo những tín hiệu rào cản, mà tạo điều kiện thuận lợi trong hành lang pháp luật cho phép và được kiểm soát để các DN có thể phát hành được trái phiếu. |