Ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Austdoor Nghệ An cho biết: Mặc dầu ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay song đến thời điểm này,ệpsảnxuấttiếptụckhókhăkqbd pauli doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Thêm vào đó, mọi chi phí đầu vào đều tăng mà sản phẩm lại khó cạnh tranh, tiêu thụ chậm khiến doanh nghiệp lâm vào thế bí. Sản phẩm các loại cửa Austdoor của doanh nghiệp chuyên cung cấp cho các công trình xây dựng, thường phải chờ đến khi nghiệm thu công trình mới thu hồi được vốn, nên quay vòng vốn rất chậm. Trong giai đoạn này, nếu doanh nghiệp được giãn một số nghĩa vụ như tiền sử dụng đất, các khoản phí, giảm thời gian chờ đợi hoàn thuế sẽ phần nào “cứu” cho doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp Thái Đại Phong chuyên sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu lại có nỗi lo khác. Thời gian qua, những sản phẩm làm từ mây, tre của Công ty không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn hướng đến thị trường tiêu dùng nước ngoài. “Với biến động của nhiều yếu tố khiến chi phí đầu vào đã tăng hơn 10% trong khi giá bán sắp tới nếu tăng cũng cao nhất chỉ 6-7%. Đó là chưa biết phản ứng của người tiêu dùng như thế nào. Nếu họ không chấp nhận đồng nghĩa với sức tiêu thụ sụt giảm thì doanh nghiệp cũng phải gánh chịu, doanh nghiệp chỉ mong hòa vốn”, Giám đốc Thái Đại Phong chia sẻ.
Thống kê từ Sở Công thương Nghệ An cho thấy, trong hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh đăng ký mã số thuế thì số doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất hàng hóa tiêu dùng ở Nghệ An chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp không đầu tư sản xuất hàng hóa vì tính rủi ro cao hơn kinh doanh buôn bán. Không chỉ cần mặt bằng sản xuất lớn, vốn cao, quay vòng vốn chậm mà hàng sản xuất ra phải thường xuyên thay đổi để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đứng trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ dám đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2012 bằng với năm 2011, thậm chí không dám đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận.
Ông Nguyễn Tài Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho rằng: Số lượng doanh nghiệp của tỉnh trực tiếp tham gia sản xuất hàng tiêu dùng không nhiều, do đó, để hưởng ứng cuộc vận động dùng hàng Việt, trước hết cần có chính sách quan tâm tới sản xuất hàng Việt. Tỉnh cũng nên tổ chức đánh giá các dự án lớn mà doanh nghiệp thực hiện, xem dự án nào là hiệu quả, cần thiết cho sự phát triển kinh tế địa phương, từ đó giới thiệu cho các ngân hàng. Bộ Tài chính cũng cần có cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ. Nhà nước cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các quy định tăng khả năng tiếp cận, thực hiện các dự án dùng ngân sách nhà nước.
Bích Huệ