Hạnh phúc trong giáo dục: Hành trình gieo mầm những nụ cười
Phúc Hưng
(Dân trí) - "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là câu khẩu hiệu quen thuộc nhưng liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi, niềm vui ấy từ đâu mà có và làm thế nào để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày hạnh phúc?
Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024" do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) và TH School tổ chức tại Hà Nội, đã mở ra cánh cửa đầy cảm hứng cho hành trình tìm kiếm câu trả lời.
Hạnh phúc đích thực trong giáo dục - Hơn cả những khoảnh khắc nhỏ bé
Hạnh phúc, theo PGS.TS. Ngô Tuyết Mai - giảng viên Đại học Flinders (Úc) - có thể đến từ những điều giản dị như một nụ cười của người mẹ với con, một nụ cười của thầy cô với học trò. Nhưng hạnh phúc trong giáo dục không chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc thoáng qua. Nó là cả một hành trình vun đắp, nuôi dưỡng để mỗi đứa trẻ đều cảm thấy được yêu thương, được là chính mình và được tự do phát triển.
"Đào tạo trí óc mà không đào tạo trái tim thì không gọi là trí óc", lời của nhà triết học Hy Lạp Aristotle được PGS.TS. Ngô Tuyết Mai trích dẫn đã khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục cảm xúc.
Theo bà, việc học cần phải gắn liền với niềm vui, với sự khám phá bản thân. Khi học sinh được trải nghiệm, được "học mà chơi, chơi mà học", được tìm ra tố chất của mình, các em sẽ cảm thấy hạnh phúc và tỏa sáng.
Thầy Martin Skelton, vị cố vấn giáo dục quốc tế, đồng tác giả chương trình IPC, đã chia sẻ câu chuyện của bản thân và người bạn tên Fred. "Fred thường đến trường sớm vào mỗi buổi sáng để giúp tôi.
Trong giờ học, nếu tôi nhìn qua cửa kính lớp mình và ông nhìn qua cửa kính lớp ông, tôi sẽ ra hiệu "Cứu với!" Và ông sẽ bước ra khỏi lớp mình, gặp tôi ở hành lang, cho tôi một vài lời khuyên, rồi tôi quay trở lại lớp học cố gắng làm tốt hơn. Điều này diễn ra ba lần mỗi ngày.
Đến cuối năm đầu tiên, tôi đã giảm số lần cần ông giúp đỡ xuống còn khoảng một lần mỗi tuần. Một ngày, Fred nói với tôi: "Cậu không phải là một giáo viên giỏi. Học sinh của cậu không học được gì cả. Cậu chỉ khiến chúng bận rộn mà thôi".
Chính lời nhận xét thẳng thắn ấy đã thay đổi cuộc đời Martin Skelton. Từ đó, ông không còn xem mình là một giáo viên chỉ giao bài tập, mà là người đồng hành, giúp học sinh thực sự học hỏi và tiến bộ.
Câu chuyện của thầy Skelton đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu chúng ta đang thực sự mang đến hạnh phúc cho học sinh, hay chỉ đang khiến các em bận rộn với những bài tập, những điểm số?
Kiếm tìm công thức hạnh phúc
Giáo dục không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn là cảm xúc, là sự kết nối, là ý nghĩa. PGS.TS. Mai cũng nhấn mạnh vai trò của mô hình PERMA trong việc kiến tạo trường học hạnh phúc.
PERMA là viết tắt của Positive Emotion (cảm xúc tích cực), Engagement (sự tham gia), Relationships (các mối quan hệ), Meaning (ý nghĩa) và Accomplishment (thành tựu). Mỗi yếu tố trong mô hình này đều góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường học tập tích cực, nơi học sinh cảm thấy được khích lệ, được kết nối và được phát triển toàn diện.
Nói vậy để thấy, trong kiến tạo một môi trường giáo dục hạnh phúc, chúng ta cần nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, khơi gợi sự hứng thú, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy cô và học sinh, giúp các em tìm thấy ý nghĩa trong học tập và đạt được những thành tựu xứng đáng.
GS. Yong Zhao, giảng viên Đại học Kansas (Hoa Kỳ) người đã dành nhiều năm nghiên cứu giáo dục tại các quốc gia khác nhau, lại bày tỏ sự trăn trở trước thực trạng giáo dục hiện nay. "Quý vị biết không, có rất nhiều ý tưởng hay về giáo dục. Nhưng tại sao môi trường học tập của chúng ta lại không thay đổi nhiều suốt bao năm qua?", ông đặt câu hỏi.
Theo GS. Zhao, vấn đề không nằm ở thiếu ý tưởng, mà nằm ở cách chúng ta thực hiện những ý tưởng đó. Mỗi đứa trẻ đều khác biệt, đều có những tài năng riêng. Giáo dục cần thay đổi để giúp các em nhận ra tiềm năng của bản thân, đóng góp cho xã hội và tìm kiếm hạnh phúc đích thực.
Hành trình của sự sẻ chia và thấu hiểu
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vai trò của người thầy trong việc kiến tạo hạnh phúc cho học sinh. "Trong hoạt động giáo dục, thầy luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú", ông khẳng định.
Một người thầy hạnh phúc sẽ lan tỏa hạnh phúc đến học trò. Bởi vậy, việc chăm lo cho sức khỏe tinh thần, tạo điều kiện để giáo viên được phát triển bản thân, được cống hiến và sáng tạo cũng chính là góp phần xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc.
Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024" đã khép lại, nhưng hành trình gieo mầm những nụ cười vẫn tiếp tục.