Dự án của ý chí,ànhđket qua vdqg tbn quyết tâm, trên dưới đồng lòngTháng 6/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tuyến đường dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng. Nguồn NSNN giai đoạn 2026 - 2030 hơn 14.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng. Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. | Đoàn khảo sát địa bàn giải phóng mặt bằng tại Trường Tiểu học Kim Hoa A, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. |
Đánh giá về tầm quan trọng của dự án, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, dự án đường Vành đai 4 thể hiện tầm nhìn chiến lược và là lời giải cho quá trình tăng trưởng và phát triển đô thị của Thủ đô... Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội từng nhấn mạnh, việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội, mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Nếu dự án này được vận hành, ý nghĩa của Vùng Thủ đô sẽ thực sự được phát huy tác dụng. Về mặt kinh tế, khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng Thủ đô, các tỉnh trong Vùng Thủ đô có đường Vành đai 4 chạy qua sẽ có điều kiện huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị… Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, đây là dự án đặc biệt quan trọng, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện với quyết tâm cao nhất. Tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước. Với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn với các địa phương liên quan để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Điều đặc biệt là Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 4 của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án trên địa bàn Hà Nội; Ban chỉ đạo còn có lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan… Cùng với việc lập ban chỉ đạo riêng cho dự án, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nội dung nghị quyết của Quốc hội về dự án. Thực tế, chưa từng thấy dự án nào mà sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm lớn như vậy. Quán triệt phương châm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm”Dự án đoạn đường Vành đai 4 qua địa bàn TP. Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Dự án có tổng diện tích đất phải thu hồi lên tới 798,01ha với 16.633 hộ dân phải thu hồi đất và thời hạn bàn giao 100% mặt bằng là cuối năm 2023, đã cho thấy áp lực rất lớn mà các địa phương phải thực hiện từ nay đến cuối năm. | Hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua TP. Hà Nội. |
Khi bắt đầu thực hiện dự án, Ban Chỉ đạo dự án đã xác định và thống nhất quan điểm, giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, phải đi trước. Đây chính là “chìa khóa” quyết định cho sự thành công của dự án. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị riêng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư một dự án. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, nhận được sự đồng thuận của nhân dân 7 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, đến nay, TP. Hà Nội đã giải phóng mặt bằng 364,66ha, đạt 45,69%; di chuyển 5.645 ngôi mộ, đạt 51,92%, dự kiến tháng 6/2023 bàn giao được khoảng 70% diện tích. 7 dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, phân chia dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. |
Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí. Cụ thể là: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín tại Km56+750, thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL). Riêng gói thầu số 11/TP2-XL sẽ không kịp khởi công trong tháng 6/2023 do vướng thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với tuyến đường sắt Bắc - Nam, dự kiến sẽ khởi công chậm hơn các gói thầu khác khoảng 3 tháng. Hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đang rất nỗ lực để có thể khởi công đồng loạt các dự án trong tháng 6/2023. Theo đánh giá của Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, kết quả triển khai giải phóng mặt bằng cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã làm tốt việc tuyên truyền chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thành ủy về tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa của dự án đường Vành đai 4… Từ nay đến các mốc thời gian phải bàn giao mặt bằng sạch phục vụ dự án, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung sẽ kiên trì lắng nghe, song hành với tuyên truyền vận động, làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân và thực hiện theo phương châm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, khối lượng công tác giải phóng mặt bằng còn lớn và cơ bản vẫn ở phía trước./. |