Chân dung PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận
Là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực tái biệt hoá tế bào và công nghệ sinh học ứng dụng trên động vật,ềđểviếtcâuchuyệnchoriêngmìtỷ số c1 hôm nay PGS. TS Nguyễn Văn Thuận còn là sáng lập viên và hiện giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản châu Á.
Về thôi...
Sau gần 20 năm làm việc và sinh sống ở nước ngoài, năm 2013, quyết định về Việt Nam của ông từng là chủ đề tranh luận sôi nổi trên báo chí trong và ngoài nước bấy giờ. Xuất phát từ câu hỏi của sinh viên Việt Nam với khát khao được trở về cống hiến cho quê hương trong cuộc giao lưu với đoàn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Trường ĐH Konkuk Hàn Quốc (nơi PGS. TS Nguyễn Văn Thuận đang giảng dạy), ông đã quyết định về Việt Nam. Trước đó ông cũng có sự thay đổi được cho là “thụt lùi” khi rời Viện Công Nghệ sinh học RIKEN, Nhật Bản sang giảng dạy và nghiên cứu ở Hàn Quốc. Trong bức tâm thư gửi về nước, ông viết: Phải về để các em không còn lang thang xây dựng “nhà hàng xóm” giàu có trong khi luôn đau đáu trông về “nhà mình” còn rất nghèo. Và ông đã về “mở đường” cho những sinh viên đam mê nghiên cứu công nghệ sinh học.
TS. Nguyễn Văn Thuận thực hiện lấy nhân và chuyển nhân tế bào tạo phôi nhân bản vô tính (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trong cuộc hội ngộ với những đồng môn Trường THPT Hai Bà Trưng Huế mới đây, vị PGS tài năng này trải lòng với bạn bè về lý do “mất liên lạc” trong thời gian dài. Ông nói: “Ở xứ người, mình phải nỗ lực gấp mười để khẳng định bản thân. Có những hôm hai vợ chồng đẩy xe nôi mang con đi dự hội thảo nước ngoài, thay nhau trông con để diễn thuyết. Các học giả quen cứ nhìn thấy xe nôi là ồ lên: “À, ông Thuận có dự cuộc này”!
Trò chuyện mới thấy con người Huế của ông bộc lộ với cách sống hướng nội và trầm tĩnh. Ông kể: “Mạ tôi nói khi còn trẻ, ai cũng hướng về tương lai nhưng khi về già người ta lại thích nói về quá khứ, những gì đã trải nghiệm. Tôi về nước là muốn viết một câu chuyện riêng cho mình để sau này kể với con cháu, bạn bè”. Tuy nhiên, vị PGS người Huế này cho rằng, với các nhà khoa học Việt đang làm việc ở nước ngoài nếu muốn về nước hãy cân nhắc đến “độ chín” trong nghiên cứu và tiềm lực bản thân: “Quyết định đúng thời điểm, bạn sẽ thoải mái làm việc và không hối tiếc về sau”, ông khẳng định.
Sau khi trở về Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Thuận công tác tại Trường ĐH Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trường đại học công lập đầu tiên của Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh. PGS Thuận cho rằng, giờ ông vẫn tin vào quyết định trở về của bản thân vì Trường ĐH Quốc tế có cơ chế riêng để mời những giáo sư danh tiếng, phòng thí nghiệm (PTN) Tái lập chương trình tế bào (được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng được xây dựng sau khi ông về nước với những trang bị hiện đại ngang tầm các PTN nghiên cứu về tái lập chương trình tế bào và tế bào gốc tại các viện nghiên cứu và đại học của các nước phát triển trên thế giới. Sinh viên sau đại học muốn vào phòng thí nghiệm này phải đăng ký và chờ đến lượt. “Tôi mong được gặp sinh viên người Huế và tạo điều kiện cho các bạn đam mê nghiên cứu ở lĩnh vực này”, PGS Thuận nói.
Dự án “Con bò triệu đô”
Mỗi ngày làm việc của PGS. TS Nguyễn Văn Thuận kết thúc lúc 20h, đó là thời điểm ông rời khỏi phòng thí nghiệm trong khi học viên của ông vẫn miệt mài thâu đêm với các thí nghiệm nghiên cứu. PSG Thuận kể: “Ba tôi mất sớm, nhà nghèo lắm nhưng mạ tôi vẫn xoay xở đủ nghề, làm đủ việc nuôi chị em tôi ăn học. Bà làm cái gì cũng tới nơi, tới chốn. Dù nghèo khó nhưng ra đường bao giờ cũng giữ đúng phong cách, chuẩn mực. Có lẽ tôi thừa hưởng tính tỉ mỉ, chu đáo từ mạ. Trong nghiên cứu, phải chấp nhận thất bại nhiều lần mới chạm đến thành công. Làm khoa học phải bền bỉ và đam mê. Tôi cố gắng tạo cho học viên mình những tố chất đó y như mạ tôi đã dạy cho tôi trong mọi việc”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thuận cùng sinh viên sau đại học tại phòng thí nghiệm tái lập chương trình tế bào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Với phòng nghiên cứu được đầu tư hiện đại tại Trường ĐH Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và lực lượng các nhà nghiên cứu trẻ, PGS. TS Nguyễn Văn Thuận đang thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cấp quốc gia (tài trợ bởi Bộ Khoa học & Công nghệ) nhằm tạo ra con bò nhân bản vô tính chất lượng cao. Mục đích cuối cùng của TS. Thuận khi trở về Việt Nam là tạo ra bò nhân bản chuyển gen có khả năng sản xuất protein tái tổ hợp của người dựa trên công nghệ sinh học động vật (Pharming) với giá trị kinh tế hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Nói một cách nôm na, cơ thể bị bệnh là do một cơ quan không sản xuất ra loại protein nào đó, dẫn đến bị thiếu protein. Nếu là protein thì người ta có thể giải trình tự DNA của nó rồi đưa đoạn DNA của người vào tế bào con bò. Từ tế bào này, chỉ có một con đường duy nhất để tạo nên một con bò sữa hoàn chỉnh là nhân bản vô tính. Con bò sữa này sẽ mang gen sản xuất protein cần thiết, sau khi vắt sữa bò, ly trích protein này ta sẽ có được dược phẩm điều trị bệnh cho con người.
Muốn làm được điều này, phải nắm giữ 4 chìa khóa công nghệ: tái lập chương trình tế bào, nhân bản vô tính, chuyển cấy gene, và công nghệ sinh học sinh sản hiện đại. “Sau gần 20 năm học tập và làm việc ở nước bạn, tôi đã nắm được những công nghệ này. Với kỹ thuật tạo động vật chuyển gene, Hàn Quốc mạnh nhất, đó là lý do mà tôi đã rời Nhật đến xứ sở kim chi năm 2007-2012”, nhà nghiên cứu tài năng bộc bạch.
So với tiến độ đề ra, công trình nghiên cứu của ông cùng cộng sự đang tiến triển nhanh hơn dự kiến. PGS. TS tự tin: “Chỉ còn chờ thời điểm thôi, chúng tôi đang bước những bước rất chắc chắn. Dự kiến năm 2017-2018, chú bò vô tính đầu tiên sẽ ra đời”...
Không chỉ cá nhân mình mà tôi tin nhiều người cũng đang hồi hộp đón chờ một sự kiện, kỳ vọng vị PGS. TS người Huế này sẽ mở ra một cánh cửa mới cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện đại ứng dụng trong y học và nông nghiệp – một lĩnh vực chủ chốt nhiều quốc gia đang nhắm tới.
Tuệ Ninh - Ảnh: N.V.T