Đối với các chính trị gia và nhà khoa học Mỹ,̀virushọcởviệnVũHánSaobuộctôiđưarabằngchứbongda.wap.vn nhan dinh Thạch Chính Lệ là chìa khóa để giải mã bí ẩn liệu virus SARS-CoV-2 có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.
Đối với chính phủ và người dân Trung Quốc, Thạch Chính Lệ là người anh hùng đại diện cho thành công kiểm soát đại dịch Covid-19, và là nạn nhân của các thuyết âm mưu.
Chuyên gia virus học Thạch Chính Lệ (trái) trong phòng nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán vào năm 2017. Ảnh: AP. |
Giờ đây, Thạch Chính Lệ, nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc, một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi bà lên tiếng về những cáo buộc nhằm vào cáo buộc SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán - nơi bà làm việc.
Trả lời New York Times qua điện thoại hai tuần trước, tiến sĩ Thạch phủ nhận những cáo buộc này, không che giấu được cảm xúc bực bội của mình.
"Làm thế quái nào tôi có thể đưa ra bằng chứng cho một thứ mà không có bằng chứng được? Tôi không hiểu làm thế nào mà thế giới lại đến mức này, liên tục đổ rác rưởi lên một nhà khoa học vô tội", bà Thạch nói.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi khác qua email với New York Times, chuyên gia virus này cho rằng những cáo buộc nói trên là vô căn cứ, bao gồm thông tin rằng đồng nghiệp của bà ở Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm trước khi đại dịch bùng phát ở đây.
Những suy đoán từ khắp nơi trên thế giới dồn vào một câu hỏi trọng tâm: Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Thạch có nắm giữ nguồn gốc của loại virus SARS-CoV-2 trước khi đại dịch xuất hiện không? Câu trả lời của bà là không.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối cho nhóm nghiên cứu quốc tế điều tra phòng thí nghiệm của bà Thạch, cũng không chia sẻ dữ liệu về nghiên cứu của họ. Điều này gây khó khăn cho việc xác thực tuyên bố của vị chuyên gia virus học và tiếp tục làm dấy lên những nghi ngờ dai dẳng về nguồn gốc của Covid-19.
"Nhà khoa học cũng có tổ quốc"
Trước khi Covid-19 xuất hiện, tiến sĩ Thạch là biểu tượng cho sự tiến bộ khoa học của Trung Quốc, là người đi đầu trong nghiên cứu về các loại virus mới nổi. Bà dẫn đầu các đoàn thám hiểm vào hang động để thu thập các mẫu phân dơi và phân chim, để nghiên cứu cách thức các loại virus truyền từ động vật sang người.
Năm 2019, bà là một trong số 109 nhà khoa học được bầu vào Học viện Vi sinh vật học Mỹ vì những đóng góp cho lĩnh vực này.
“Bà ấy là một nhà khoa học xuất sắc - cực kỳ cẩn thận, với thái độ làm việc nghiêm túc”, tiến sĩ Robert C. Gallo, giám đốc Viện Virus học ở người tại Đại học Y Maryland, cho biết.
Viện Virus học Vũ Hán có gần 300 nhân viên. Đây là nơi đặt một trong hai phòng thí nghiệm duy nhất của Trung Quốc được bảo mật cao nhất, tức là mức An toàn Sinh học Cấp độ 4.
Tiến sĩ Thạch đứng đầu các nghiên cứu của viện này về các loại bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Trong những năm qua, nhóm của bà thu thập hơn 10.000 mẫu dơi từ khắp Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trước các nhà khoa học vào năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Khoa học không có biên giới, nhưng các nhà khoa học có tổ quốc".
Tuy nhiên, bản thân tiến sĩ Thạch không phải là đảng viên. Đây là điều khá bất thường đối với viên chức nhà nước như bà.
Tiến sĩ Thạch xây dựng sự nghiệp tại Viện Virus học Vũ Hán, bắt đầu với vai trò trợ lý nghiên cứu vào năm 1990 và làm việc theo cách của riêng bà.
Bà bắt đầu nghiên cứu về loài dơi vào năm 2004 sau khi dịch SARS bùng phát. Năm 2011, bà tạo ra một bước đột phá khi tìm thấy những con dơi trong một hang động ở phía tây nam Trung Quốc mang virus corona tương tự như virus gây bệnh SARS.
Nhưng kể từ đó, công việc của bà cũng bị giám sát kỹ lưỡng. Trong những năm gần đây, tiến sĩ Thạch bắt đầu thử nghiệm trên các loại virus corona bắt nguồn từ dơi, bằng cách biến đổi gene của chúng để nghiên cứu cách chúng hoạt động.
Những người ủng hộ cho rằng nghiên cứu này sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Trong khi đó, các ý kiến phản đối cho rằng đây là rủi ro tạo ra mầm bệnh nguy hiểm mới, và nguy cơ lớn hơn lợi ích rất nhiều.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi hàng loạt câu hỏi được đặt ra về vai trò của Mỹ trong các nghiên cứu của bà Thạch. Viện Virus học Vũ Hán nhận được khoảng 600.000 USD tiền tài trợ từ chính phủ Mỹ, thông qua một tổ chức phi lợi nhuận của nước này có tên EcoHealth Alliance.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết họ không chấp thuận tài trợ cho tổ chức phi lợi nhuận để tiến hành nghiên cứu về chức năng của virus corona, gây ra nguy cơ lây nhiễm sang người.
Trả lời câu hỏi này qua email, tiến sĩ Thạch cho biết các thí nghiệm của bà không làm biến đổi chức năng của virus, không làm cho virus nguy hiểm hơn, mà để tìm hiểu cách virus lây truyền từ loài này sang loài khác.
“Phòng thí nghiệm của tôi chưa bao giờ tiến hành hoặc hợp tác thực hiện các thí nghiệm nhằm nâng cao độc lực của virus", bà nói.
Viện Virus học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Suy đoán bắt nguồn từ ngờ vực
Ngoài câu hỏi về các nghiên cứu của bà Thạch, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về cách thức bà thực hiện các thí nghiệm.
Một số thí nghiệm của tiến sĩ Thạch về virus dơi được thực hiện trong phòng An toàn Sinh học Cấp 2, tức là phòng có mức độ an toàn thấp hơn các phòng khác tại Viện Virus học Vũ Hán. Điều này làm dấy lên câu hỏi về khả năng rò rỉ mầm bệnh ra môi trường ngoài.
Ralph Baric, chuyên gia của Đại học North Carolina về virus corona, cho rằng SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc tự nhiên, nhưng nên xem xét lại các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nghiên cứu các loại virus dơi tại Viện Virus học Vũ Hán.
Tiến sĩ Thạch cho rằng virus dơi ở Trung Quốc có thể được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Cấp 2, vì không có bằng chứng nào cho thấy chúng trực tiếp lây nhiễm sang người. Một số nhà khoa học khác ủng hộ quan điểm này.
Đối với các mẫu virus được lưu trữ tại viện, bà Thạch khẳng định loại virus dơi mới nhất chỉ giống SARS-CoV-2 khoảng 96%, và đây là mức có thể tạo ra sự khác biệt lớn về bộ gene.
Tiến sĩ Thạch tuyên bố bà và Viện Virus học Vũ Hán đã cởi mở với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng khoa học toàn cầu.
“Đây không còn là câu hỏi của khoa học nữa. Đây là suy đoán hoàn toàn bắt nguồn từ sự ngờ vực", bà nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
"Tôi không có gì phải sợ"
Đại dịch Covid-19 là tình huống mà từ lâu, tiến sĩ Thạch và nhóm nghiên cứu của bà đã phải chuẩn bị đối phó.
Trong nhiều năm, chuyên gia này từng cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch do virus corona, do vậy cần thu thập kiến thức về những mầm bệnh này.
Wang Linfa, nhà virus học tại Trường Y Duke - Đại học Quốc gia Singapore, từng làm việc với bà Thạch vào đầu năm 2020. Chuyên gia này kể lại vào tháng 1/2020, khi tiến sĩ Thạch và nhóm của bà làm việc điên cuồng để đối phó với Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, họ kiệt sức nhưng cũng rất phấn khích.
“Tất cả kinh nghiệm, thuốc thử và mẫu dơi trong tủ đông cuối cùng đã được sử dụng triệt để", tiến sĩ Wang nói.
Sau đó, bà Thạch xuất bản một số bài nghiên cứu ban đầu, có ý nghĩa quan trọng nhất về SARS-CoV-2 và Covid-19. Các nhà khoa học trên thế giới cũng dựa vào những nghiên cứu này của bà.
Nhưng ngay sau đó, những suy đoán về tiến sĩ Thạch và phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán bắt đầu nổi lên. Với tính cách thẳng thừng như bạn bè miêu tả, bà cảm thấy tức giận, và đôi khi không kiềm chế được mà thể hiện ra ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Science vào tháng 7/2020, bà cho rằng ông Donald Trump nợ bà một lời xin lỗi vì tuyên bố virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của bà. Trên mạng xã hội, đáp trả lại những cáo buộc, bà nói họ "hãy im miệng lại".
Tiến sĩ Thạch cho rằng việc chính trị hóa vấn đề này đã khiến bà mất hết nhiệt huyết trong việc điều tra nguồn gốc của virus. Thay vào đó, bà tập trung vào nghiên cứu vaccine Covid-19 và các tính năng của loại virus mới. Theo thời gian, bà mới có thể bình tĩnh lại.
“Tôi chắc chắn rằng tôi không làm gì sai. Vì vậy, tôi không có gì phải sợ hãi", bà viết trong email trả lời phỏng vấn.