Điều này cho thấy các ngân hàng cần bổ sung nguồn vốn cho vụ mùa cuối năm dù thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn khó dự đoán.
Cần vốn cho mùa vụ cuối năm
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,03%/năm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố và áp dụng cho khách hàng từ ngày 14/9/2019 được coi là rất cao trong so sánh với trần lãi suất 5,5%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức cao nhất lên đến 8,76%/năm. Trong khi đó, cùng loại tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng nhưng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác ở mức thấp hơn, từ 6,5 - 7,7%/năm.
“Biến động lãi suất huy động đợt này không phản ánh tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi vì nhiều ngân hàng lớn vẫn giữ lãi suất huy động ở mức ổn định, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây không những không tăng mà còn giảm. Với một số ngân hàng, việc tăng lãi suất này có thể để cơ cấu lại nguồn vốn hoặc bổ sung nguồn vốn ngắn hạn và chuẩn bị cho vụ mùa cho vay vào cuối năm”.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV
Theo quy định, các NHTM vẫn bị khống chế trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi.
Bình luận về động thái tăng lãi suất huy động như nêu trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ, mang tính thời điểm ở một vài ngân hàng có quy mô nhỏ và trung bình. Các ngân hàng đó có tính cạnh tranh huy động thấp hơn các ngân hàng quy mô lớn cũng có phần bởi thói quen, văn hóa gửi tiền của nhiều người dân, đó là, ưu tiên chọn ngân hàng lớn dù lãi suất huy động có thể thấp hơn.
Theo ông Lực, biến động lãi suất huy động đợt này không phản ánh tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi vì nhiều ngân hàng lớn vẫn giữ lãi suất huy động ở mức ổn định, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây không những không tăng mà còn giảm. “Với một số ngân hàng, việc tăng lãi suất này có thể để cơ cấu lại nguồn vốn hoặc bổ sung nguồn vốn ngắn hạn và chuẩn bị cho vụ mùa cho vay vào cuối năm” - ông Lực nói.
Từ góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện tượng huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức trên 8% là khá bất thường, đặc biệt trong so sánh với trần lãi suất giới hạn ở mức 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ông Hiếu cho rằng, có thể, các ngân hàng muốn đẩy mạnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm để tạo điều kiện được cấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trong năm sau. Cũng có thể, ngân hàng rơi vào tình trạng yếu thanh khoản nên cần hút vốn huy động. Bên cạnh đó, nhiều khả năng các ngân hàng dự báo mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại sẽ cao nên dự trữ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
“Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các ngân hàng thiếu thanh khoản do tình trạng nợ xấu vẫn ở mức cao, họ cần huy động vốn để trả nợ cũ” - ông Hiếu nói.
Có thể còn tăng tiếp
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã có nhiều đợt tăng dù mức tăng không đột biết. Những tháng cuối năm được cho là giai đoạn “về đích” doanh thu và lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, do đó, xu hướng lãi suất của quý IV được dự báo có thể tăng tiếp.
Theo ông Cấn Văn Lực, có thể có những đợt sóng tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng nhẹ, vì về cơ bản, thanh khoản của các ngân hàng tốt, hiện tượng tăng lãi suất sẽ chỉ diễn ra ở một vài ngân hàng nhỏ, trong khi lãi suất cho vay có thể được kiềm giữ theo chủ trương của Chính phủ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn nhiều khả năng sẽ tăng. “Thực tế là, nhiều ngân hàng cần vốn ngắn hạn cho mùa vụ cuối năm. Mặt khác, nhiều ngân hàng vẫn cần vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Do đó, lãi suất huy động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới” - ông Hiếu nói.
Về lãi suất cho vay, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ không tác động nhiều đến lãi suất cho vay của các NHTM. Bởi vì, lãi suất điều hành chỉ tác động trên thị trường liên ngân hàng mà thị trường đó không liên thông với thị trường tiền tệ cho vay. Mặt khác, các động thái chính sách như vậy thường có độ trễ nên tác động gián tiếp về mặt nào đó cũng sẽ rất ít.
“Nhiều ngân hàng cần vốn ngắn hạn cho mùa vụ cuối năm. Mặt khác, nhiều ngân hàng vẫn cần vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Do đó, lãi suất huy động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới”. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng |
Thanh An