【bang xep hang 2 han quoc】Hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp
NĐ 58 quy định về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) và chính sách hỗ trợ BHNN nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện BHNN và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại về tài chính khi xảy ra rủi ro trong quá trình sản xuất.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 20% phí bảo hiểm
NĐ 58 ngày 18/4/2018 của Chính phủ về BHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6/2018. Theo đó, cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; vật nuôi gồm trâu, bò, lợn, gia cầm; thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra sẽ là những đối tượng được hỗ trợ BHNN theo NĐ 58.
NĐ 58 cũng nêu rõ, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN. Bên cạnh đó, các tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN.
“Kinh phí hỗ trợ phí BHNN được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí BHNN thực hiện theo quy định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội”, NĐ 58 nêu rõ.
Sau 3 năm thực hiện thí điểm BHNN (giai đoạn 2011 – 2013) theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản (tôm, cá) đã đạt được kết quả đáng khích lệ: 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm; tổng giá trị được BH là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí BH là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường BH là 712,9 tỷ đồng.
NĐ 58 cũng nêu rõ, địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí BHNN thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí BHNN.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể triển khai toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện, xã. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được hỗ trợ, loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, loại rủi ro được bảo hiểm (BH) hỗ trợ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn được hỗ trợ, tổ chức lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí BHNN và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
NĐ 58 cũng quy định, rủi ro được BH hỗ trợ gồm: Rủi ro thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ; rủi ro dịch bệnh đối với động vật trên cạn; dịch bệnh động vật thủy sản theo danh mục bệnh do cơ quan có thẩm quyền công bố…
Được Thực hiện đồng bảo hiểm để phân tán rủi ro
Theo NĐ 58, DNBH có quyền thực hiện BHNN theo phương thức đồng BH nhằm phân tán, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, trường hợp thực hiện đồng BHNN, hợp đồng phải ghi rõ tên và tỷ lệ đồng BH của từng doanh nghiệp tham gia đồng BH, tên DNBH giữ vai trò đầu mối thực hiện hợp đồng BH. Các DNBH phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng với bên mua BH.
“DNBH giữ vai trò đầu mối có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao kết hợp đồng BH và thay mặt các DNBH tham gia đồng BH khác giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng”, NĐ 58 nêu rõ.
Theo đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH thực hiện giải quyết bồi thường BH theo thỏa thuận tại hợp đồng. Số tiền bồi thường mà DNBH phải trả cho người được BH được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng BH tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng BH. Trường hợp BH theo chỉ số, DNBH trả tiền bồi thường cho người được BH dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng BH và quy định pháp luật.
NĐ 58 cũng nêu rõ, số tiền bồi thường mà DNBH trả cho người được BH không vượt quá số tiền BH, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng BH.
Theo các chuyên gia trong ngành BH, trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai BHNN theo các quy định tại NĐ 58 sẽ khuyến khích DNBH thực hiện BHNN, góp phần hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Hồng Chi