Tái định cư là chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân có nơi ở ổn định,ểuvềchnhschtiđịnhcưbảng xếp hạng lecce gặp torino an cư sau khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, để được hưởng chính sách tái định cư thì cần phải đáp ứng một số tiêu chí, yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin các quy định về tái định cư tại một buổi đối thoại với công dân.
Thực tế, khi triển khai các công trình, dự án, người dân bị ảnh hưởng đất đai, nhà cửa là điều không thể tránh khỏi. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường theo quy định, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, mà phải di chuyển chỗ ở.
Trong đó, chính sách tái định cư được rất nhiều người dân có đất bị thu hồi quan tâm; và để được hưởng chính sách này, người bị thu hồi đất cần phải đảm bảo đáp ứng một số tiêu chí theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, qua công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân, vẫn còn một số hộ dân trên địa bàn chưa hiểu rõ về các chính sách tái định cư, dẫn đến việc khiếu nại sai, bà con mất nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Đơn cử như vừa qua, hộ bà Võ Thị Hồng Em, ngụ khu vực 4, phường IV, có khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND thành phố Vị Thanh. Hộ bà Em có yêu cầu được giải quyết tái định cư, khi bị ảnh hưởng dự án xây dựng Trường THCS Châu Văn Liêm, phường IV.
Tuy nhiên, theo xác minh của Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Hồng Em có 126,2m2 đất bị thu hồi, phần đất trên bà Hồng Em được cha ruột viết giấy tay tặng cho vào năm 2015, sau đó bà cho người khác thuê để ở cho đến nay. Căn cứ vào các quy định, do căn nhà bị giải tỏa không phải là nhà ở chính, bà Em lại không đăng ký thường trú, tạm trú tại căn nhà bị giải tỏa, không phải di chuyển chỗ ở. Do đó, việc bà Hồng Em yêu cầu giao một nền tái định cư theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là không có cơ sở xem xét.
Tương tự, hộ ông Trần Văn Hiếu, ngụ khu vực 3, phường V, cũng có yêu cầu giải quyết 2 nền tái định cư cho hộ phụ, hộ ông Hiếu bị ảnh hưởng dự án Chỉnh trang đô thị khu vực III, phường V, thành phố Vị Thanh.
Với trường hợp ông Trần Văn Hiếu, qua xác minh, nhận thấy hộ ông Hiếu có 71,7m2 đất bị thu hồi để thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, về nguồn gốc đất, do đây là phần đất thuộc Nhà nước quản lý nên hộ ông Hiếu chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ, không được giải quyết bồi thường, do đó cũng không đủ điều kiện để giải quyết tái định cư hộ phụ.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, tái định cư là hình thức hỗ trợ về đời sống của Nhà nước khi thực hiện chính sách thu hồi đất của người dân. Tùy thuộc vào diện tích đất bị thu hồi và quỹ đất hiện có của Nhà nước, người dân sẽ được bồi thường số lượng suất tái định cư phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết: Theo quy định tại Điều 79, Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được xem xét bồi thường về đất.
Trong đó, phổ biến nhất là trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Còn theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với Hậu Giang, cụ thể hóa quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, theo quy định tại Quyết định số 26/2018 của UBND tỉnh, các trường hợp như trên phải đảm bảo thêm yếu tố có giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã có sinh sống liên tục tại nơi giải tỏa trước thời điểm thông báo thu hồi đất từ đủ 12 tháng trở lên mà phải di chuyển chỗ ở, không còn chỗ ở (nhà ở, đất ở) nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi thu hồi đất thì sẽ được giải quyết tái định cư.
Việc giúp người dân nắm và hiểu rõ chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về tái định cư và các hỗ trợ khi bị thu hồi đất sẽ giúp người dân an tâm, tuân thủ tốt hơn các chính sách, từ đó góp phần hạn chế khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai, thực hiện các công trình, dự án.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định như thế nào về tái định cư ? Tại Điều 107, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được bố trí tái định cư. Khoản 1, khoản 2, Điều 106, quy định UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Đồng thời, khu tái định cư bảo đảm các điều kiện như: Về hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền… |
Bài, ảnh: Đ.B