Người dân mua hàng tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư |
Giá hàng hóa tăng dù sức mua giảm mạnh
Ghi nhận của phóng viên TBTCVN tại nhiều hàng quán trên đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết giá các mặt hàng ăn, uống đều đã tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng so với hồi cuối tháng 2. Thậm chí giá dịch vụ rửa xe cũng đã tăng lên 35 nghìn đồng/xe gắn máy.
Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm đã được điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng.
Chủ một cửa hàng sữa trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Giá xăng tăng, xung quanh các cửa hàng kinh doanh đều đã tăng giá, mình đang loay hoay chưa biết có nên tăng giá ngay lúc này hay không? Vì nếu tăng giá để có chút lời thì rất dễ mất khách hàng, mà không tăng thì đành chấp nhận hòa vốn hoặc là lỗ”.
Việc tăng giá phổ biến không chỉ với hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang phải loay hoay ứng phó với việc tăng giá bán. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt giá nguyên vật liệu, vận tải tăng phi mã trong nhiều tháng qua khiến lợi nhuận bị giảm sút.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn hàng xuất khẩu hiện tăng 10% - 30%, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng không đạt lợi nhuận bởi chi phí cao trong khi giá bán không thể tăng cao lúc này. Giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm chi phí là tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu giá rẻ, nhưng đến nay các doanh nghiệp đều gặp khó.
Giám đốc kinh doanh một hệ thống siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, ban giám đốc đã liên tục họp nhằm tìm giải pháp cải thiện doanh số, kéo giãn đà tăng giá. Một số giải pháp đã được triển khai nhưng vấn đề là người tiêu dùng bị giảm thu nhập trong khi giá xăng, dầu, hàng hóa... đều tăng, cộng với lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 nên họ chủ động giảm chi tiêu. Điều này đồng nghĩa với sức mua bị giảm mạnh.
Thống kê của toàn hệ thống cho thấy, lượt khách đến mua sắm trong hơn 2 tháng qua giảm 20% - 25% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lớn như Vissan, Saigon Co.op, Satra thừa nhận việc tăng giá lúc này sẽ đẩy sức mua xuống thấp hơn nữa. Ông Nguyễn Lâm Hồng - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết: “Chúng tôi nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận” - ông Hồng thừa nhận.
Doanh nghiệp vận tải đau đầu tìm giải pháp ứng phó
Lãnh đạo Hãng taxi Vinasun cho biết, theo quy định, nếu giá xăng, dầu tăng trên 10% thì giá cước vận tải taxi được tăng 3%. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã tăng trên 10%, nhưng hãng chưa thể điều chỉnh giá cước, thay vào đó là triển khai các giải pháp giảm chi phí nhân sự, số lượng xe... để tiết kiệm chi phí.
Toàn cảnh bến xe miền Đông vào đầu buổi sáng hàng ngày. Ảnh: Gia Cư |
Nhiều hãng taxi phản ánh lượng khách sau Tết Âm lịch giảm mạnh 30% - 40% nên không thể tăng giá cước. Tương tự, vận tải hành khách liên tỉnh cũng gặp khó bởi dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương cùng tác động tiêu cực từ giá xăng, dầu tăng mạnh. Các nhà xe phải cầm cự qua ngày, ăn vào vốn, thậm chí bán tài sản để bù lỗ. Trong khi xe không hoạt động được nhưng các loại phí đều phải đóng đầy đủ.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam đều cho rằng, việc cố giữ giá vận tải hành khách là điều khó có thể cầm cự được lâu hơn được nữa. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước. Trước tác động của giá xăng, dầu, các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh giá cước tăng 5% - 20% tùy tuyến và tùy loại xe.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì diễn ra ngày 14/3, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.
Liên quan vấn đề bình ổn thị trường, mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bán hàng bình ổn thị trường, đại diện Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo, trứng gà tạm hoãn tăng giá bán bình ổn dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đủ để điều chỉnh. Lý do Sở Tài chính thành phố đưa ra là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang thấp và giá cả có xu hướng tăng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để bình ổn giáTrong kiến nghị các giải pháp bình ổn giá tại cuộc họp Chính phủ ngày 14/3, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Ngoài ra, bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá, cơ quan chức năng đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. |