(CMO) Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân hiện có 45 phương tiện đánh bắt thuỷ sản có công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV có đăng ký, đăng kiểm và hơn 100 phương tiện, chủ yếu là ghe, xuồng có công suất dưới 20 CV không đăng ký, đăng kiểm. Các phương tiện này chủ yếu khai thác gần bờ. Hiện nay, ngư dân Nguyễn Việt Khái đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn để vươn ra khơi xa.
Đã gần 20 năm bám biển, cuộc sống gia đình anh Trần Văn Tường, 41 tuổi, ấp Gò Công còn gặp nhiều khó khăn. Anh Tường cho biết, do không có vốn nên chỉ đi đánh bắt gần bờ, mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu, chi tiêu gia đình thì chỉ vừa đủ sống, nhiều khi còn bị lỗ vốn. "Nhiều khi đi cả ngày trời về còn lỗ tiền dầu, đánh lưới chỉ toàn cá loại nhỏ, thu nhập rất thấp”, anh Tường than.
Anh Trần Văn Tường (áo đỏ) ở ấp Gò Công, sau một ngày đánh lưới, sản phẩm thu về là các loại cá nhỏ, thu nhập rất thấp. |
Mặc dù không muốn đánh bắt trong vùng cấm vì vi phạm pháp luật, nhưng không còn cách nào khác vì không có vốn để trang bị ghe, tàu để ra khơi.
Anh Phan Chí Hiểu, 30 tuổi, ấp Gò Công, cũng có gần 13 năm bám biển, nhưng không dư dả gì. Hằng ngày, anh đánh lưới gần bờ, sản phẩm thu được chủ yếu là cá phân, bán mỗi ký từ 5.000-10.000 đồng.
Anh cho biết: “Tôi mua xuồng, đầu tư làm lưới, nhưng xuồng nhỏ không dám ra khơi xa đánh bắt, nên đành đánh bắt gần bờ. Nhưng bị bắt phạt hoài, cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Còn anh Nguyễn Văn Sơn, 46 tuổi, ấp Gò Công thì mưu sinh bằng nghề mò con móng tay, thu nhập khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng không thường xuyên, lại ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng vì không có đất đai, vốn liếng, anh Sơn không còn cách chọn lựa khác. Anh Sơn cho biết: “Mò móng tay cũng đủ ăn, nhưng nghề này ảnh hưởng đến sức khoẻ quá, một con nước làm được mấy bữa thì bệnh, phải nghỉ làm, đành vay mượn bà con chòm xóm, khi nào khoẻ lại thì làm trả nợ”.
Hiện nay, nhiều ngư dân xã Nguyễn Việt Khái đánh bắt trong vùng cấm, điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Địa phương thường xuyên tuyên truyền, kết hợp xử lý nhưng tình trạng vẫn tái diễn do bà con gặp khó trong mưu sinh.
Biển Tây đang gồng mình gánh chịu sự đánh bắt vô tội vạ, nguồn lợi thuỷ sản bị xâm hại do khai thác trong vùng cấm với tần suất cao. Ngư dân vi phạm thường xuyên do không có phương tiện ra khơi xa hơn hoặc chuyển đổi ngành nghề. Người dân nơi đây đang rất cần vốn để trang bị phương tiện làm ăn đàng hoàng cũng như một giải pháp chuyển đổi ngành nghề hợp lý./.
Anh Phan