Hội nghị đối thoại với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Ảnh BTC |
Liên quan đến vướng mắc của Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn về trường hợp 3 nhân viên mới ký hợp đồng lao động với công ty, do ảnh hưởng của dịch bệnh phải làm việc tại nhà nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ từ Quỹ hiểm hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, căn cứ vào Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ và tại Công văn số 3068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm ngày 30/9/2021, người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội được hỗ trợ trên cở sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, trường hợp trên, nếu doanh nghiệp chưa báo tăng lao động, chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021, Bảo hiểm xã hội TPHCM không đủ cơ sở để giải quyết hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Tương tự, liên quan đến phản ánh của Công ty CP Acecook Việt Nam về chính sách hỗ trợ khi ngưng việc từ 14 ngày trở lên do bị cách ly, phong toả, tạm hoãn hợp đồng lao động, ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết, hiện chủ trương của Chính phủ và của TPHCM cho phép các F0 được cách ly điều trị tại nhà tuân thủ theo quy định của ngành y tế và được cấp giấy hoành thành cách ly/điều trị do ban chỉ đạo cấp phường/xã cấp. Trước đây, quyết định cách ly là cơ sở để bảo hiểm xã hội chi trả chế độ ốm đau cho người lao động.
Hiện cơ quan BHXH tạm dừng chi trả chế độ ốm đau khi có quyết định cách ly tại nhà, chỉ giải quyết chế độ theo đúng biểu mẫu tại Thông tư 56/2017/BYT của Bộ Y tế. Tình trạng dịch và cách ly tại nhà là trường hợp chưa có tiền lệ và tại biểu mẫu của thông tư trên không điều chỉnh được nội dung này.
Trả lời Công ty CP Quốc tế Gốm sứ Việt và một số doanh nghiệp về trường hợp người lao động bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty và tử vong có được tính là tai nạn lao động và được hưởng chế độ tai nạn lao động không, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận nào, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Để xác định là tai nạn lao động chết người, phải thực hiện theo quy trình và thủ tục điều tra theo quy định tại Điều 14 Nghị định 39/2016 của Chính phủ quy định Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, có kết quả giám định pháp y và biên bản điều tra tai nạn lao động của đoàn điều tra cấp tỉnh… Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 tại công ty là nội dung chưa có tiền lệ. Do đó, nội dung này Sở LĐ-TB&XH TPHCM ghi nhận và có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH để sớm trả lời thoả đáng về vấn đề này.
Ngoài ra, tại hội nghị, đại diện BHXH TPHCM, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng giải đáp những vướng mắc về các thủ tục giải quyết chế độ cho người lao động liên quan đến dịch bệnh, thủ tục giải quyết chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đăng ký hồ sơ BHXH...
BHXH TPHCM thông tin, tính đến ngày 29/11/2021, đơn vị đã giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 83.556 doanh nghiệp và gần 1,8 triệu lao động với số tiền 1.892 tỷ đồng; Theo chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động theo Nghị quyết 116/2021 của Chính phủ, TPHCM đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu lao động với hơn 5.531 tỷ đồng. BHXH TPHCM cũng đề nghị người lao động đã dừng tham gia BHTN trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định mà chưa nhận hỗ trợ thực hiện nhanh việc kê khai thông tin theo mẫu, gửi về cơ quan BHXH nơi gần nhất để được nhận hỗ trợ kịp thời. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021. Ngoài ra, BHXH TPHCM cũng cảnh báo việc những đối tượng lợi dụng chính sách. Theo đó, đơn vị không yêu cầu người lao động cung cấp mã OTP ngân hàng hoặc đăng nhập vào bất cứ đường link nào để cung cấp tài khoản ngân hàng. |