Vận dụng nhiều phương thức nghiên cứu
Trò chuyện,ôhọctròđoạtgiảinghiêncứuvềlàngcổPhướcTítl c2 Phượng vẫn còn lâng lâng. Phượng kể, ý tưởng của em được lấy bối cảnh nhiều bạn bè cùng trang lứa sinh ra, lớn lên ở Phước Tích nhưng không nắm rõ về lịch sử hình thành, phát triển, những câu chuyện văn hóa, làng nghề… “Phước Tích là một làng cổ có những vẻ đẹp riêng biệt và đặc trưng cho con người, phong cảnh xứ Huế. Thương hiệu của làng cổ và du lịch nơi đây chưa được quảng bá rộng rãi”, Phượng kể.
Cô học trò đam mê nghiên cứu về làng cổ Phước Tích Trần Thị Phượng
Tất cả những băn khoăn, suy nghĩ đó thôi thúc cô học trò đam mê lịch sử, văn hóa này quyết tâm thực hiện đề tài. Cái hay của đề tài là cách vận dụng kiến thức liên môn vào quá trình tìm hiểu. Phượng vận dụng môn văn vào kỹ năng thuyết minh, trình bày, giới thiệu một vấn đề; môn sử để biết được nguồn gốc ra đời của làng cổ Phước Tích; môn địa để tìm hiểu về văn hóa, vị trí của làng cổ; môn tiếng Anh dùng vận dụng kiến thức đặt câu, từ vựng và kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài để quảng bá hình ảnh của làng cổ…Cùng với đó, tích hợp giáo dục để cho mọi người thấy được ý thức trách nhiệm của từng cá nhân với quê hương và kỹ năng sống để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Sau những giờ học trên lớp, Phượng lại cất công đi thực tế ở làng cổ để phỏng vấn người dân và chụp ảnh; lên thư viện, các trang mạng để tìm đọc tài liệu liên quan về Phước Tích. Lắm lúc tưởng chừng phải bỏ dở “đứa con tinh thần” khi thời gian học tập bận rộn mà việc nghiên cứu cần phải cẩn trọng, chi li trong từng câu chữ, hình ảnh. Những lúc như thế, thầy cô được “huy động” vào cuộc để trợ giúp. Ngày đưa bài đi dự thi, đề tài hơn 3.000 chữ của Phượng được thầy cô và bè bạn đánh giá khá hoàn hảo với đầy đủ thông tin, được thể hiện rõ ràng, hấp dẫn với người tìm hiểu.
Đem Phước Tích đến gần hơn với mọi người
Thông tin về làng cổ Phước Tích được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) được Phượng khái quát rất chi tiết. Phượng chia sẻ, hiểu biết về quê hương là một trong những việc làm cần có của mỗi một học sinh để thể hiện tinh thần yêu nước. Các cơ quan chức năng cũng đang tìm cách giải quyết để thúc đẩy phát triển du lịch ở làng cổ Phước Tích. Với tinh thần, trách nhiệm của công dân, em đã đề xuất những giải pháp để góp phần giúp nhiều người biết về làng cổ, nhằm quảng bá làng cổ đến rộng rãi với mọi người. “Khi thực hiện đề tài này, em chỉ mong nhiều bè bạn cùng nhận thức được ý thức trách nhiệm và tinh thần yêu quê hương đất nước trong mỗi người”, Phượng tâm sự.
Mặc dù là đề tài nghiên cứu, nhưng Phượng “đưa” mọi người về du lịch làng cổ Phước Tích, ngôi làng nằm bên bờ sông Ô Lâu hiền hòa, cách Quốc lộ 1A chỉ 1 km từng nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền. Phượng cũng kể chi tiết về nguồn gốc ra đời của ngôi làng, từ năm 1.470 dưới triều vua Lê Thánh Tông, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu uốn cong hình móng ngựa tạo nên phong cảnh nên thơ, hữu tình. Theo Phượng, giá trị còn bảo tồn nguyên vẹn nhất của ngôi làng đến thời điểm hiện tại đó là làng còn gìn giữ nguyên vẹn 27 ngôi nhà rường tuyệt đẹp.
“Nhiều ngôi nhà rường cổ trên 100 năm tuổi, có ngôi nhà gần 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những khu vườn rộng rãi với cây cối xanh tốt, nhà nhà cách nhau một hàng chè tàu cắt xén đều tăm tắp tạo nên một không gian xanh vừa cổ kính, vừa gần gũi, cùng với hệ thống hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quảng Tế và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang, đền Văn Thánh”, Phượng giới thiệu cụ thể.
Giá trị ngôi làng cổ còn được Phượng giới thiệu qua nghề gốm truyền thống với những sản phẩm được làm trực tiếp từ sự nhào nặn của đôi tay các nghệ nhân trong làng. Phượng khẳng định: “Phước Tích có tiềm năng rất lớn về du lịch. Mỗi năm cứ đến các lễ hội làng nghề và Festival Huế, nơi đây đón rất nhiều lượt khách du lịch về tham quan và khám phá. Để quảng bá và phát triển du lịch ở đây, các đơn vị chức năng đã trùng tu và có những chiến lược thu hút khách du lịch. Bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Văn Kỷ, người đã theo suốt cả hành trình nghiên cứu đề tài của Phượng đánh giá, đây là một trong những đề tài không mới nhưng cách làm rất mới, rất hay. “Phượng đã đưa Phước Tích đến gần hơn với mọi người qua cách trình bày, giới thiệu chi tiết. Không những vậy, cái hay của đề tài đó là giúp giới trẻ trở về với cội nguồn, niềm tự hào về thắng cảnh quê hương”, cô Tuyền nhận xét.
PHAN THÀNH