Tận dụng thương mại điện tử để đưa đồ gỗ Việt vươn xa | |
Covid-19 đẩy ngành gỗ Việt vào một năm đầy biến động | |
Điều gì đang chờ đợi xuất khẩu gỗ Việt? |
Năm 2020, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD. Ảnh: N.Thanh. |
Tăng sức mua từ Mỹ, EU
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Lũy kế xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2020 đạt 1,53 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với 81,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Dự báo, trong thời gian tới ngành gỗ sẽ có thêm cơ hội để phát triển thương hiệu và giá trị của mình trước những tín hiệu tốt của thị trường.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ, dự báo nhu cầu đồ gỗ nội ngoài thất của Mỹ tăng trường trong năm 2020 nhờ sự phục hồi của thị trường nhà đất. Thị trường nhà ở tại Mỹ đến cuối năm 2019 đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Đây là dấu hiệu tốt cho các nhà xuất khẩu nội ngoại thất của Việt Nam.
Ngoài ra, gần đây, Nghiệp đoàn người sản xuất gỗ xẻ Mỹ đã đệ đơn lên Cục thương mại và Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ về việc chống bán phá giá và áp thuế tự vệ đối với sản phẩm khung gỗ từ Brazil và Trung Quốc. Những rắc rối về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Brazil cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Tại thị trường EU, trong khi xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất của khối này suy giảm thì nhập khẩu nhóm sản phẩm này bắt đầu tăng trong năm 2019. Tuy vậy, theo Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của họ và thị trường EU là đích đến mới.
"Dẫn dắt xu hướng tăng nhập khẩu đồ gỗ có nguồn gốc gỗ nhiệt đới là sự thâm nhập thị trường EU của các nhà xuất khẩu lớn đến từ Việt Nam, Ấn Độ và gần đây nhất là Indonesia. Như vậy, cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc trên thị trường EU sẽ mạnh hơn", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Cần đầu tư cho giá trị gia tăng
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2020 ngành gỗ Việt còn khá nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, nhất là khi FTA Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực ngay tháng 7/2020. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% trong 150 tỷ USD thương mại đồ gỗ nội thất toàn cầu. Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần xuất khẩu.
Dù vậy, Tổng cục Lâm nghiệp cũng nhìn nhận, toàn ngành cũng phải đối diện không ít thách thức, điển hình là nguy cơ các doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, DN tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao, tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất do phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu, chi phí cao nên giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh…
Thời gian qua, nhằm tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng như bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước, Việt Nam đã triển khai rất nhiều các biện pháp. Điển hình có thể kể đến như Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chuẩn FSC Quốc gia cho quản lý rừng hay tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, để tận dụng tối đa lợi thế và nắm bắt cơ hội mở ra sắp tới, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đầu tư cho những giá trị gia tăng như thiết kế và thương hiệu. Đây là cách để ngành gỗ Việt Nam nâng tầm sản phẩm xuất khẩu của mình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tích cực đẩy mạnh hoàn thiện và ban hành hồ sơ, tài liệu để vận hành hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam bảo đảm đúng quy định và phù hợp thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu, năm 2020 toàn ngành cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu...
Năm 2020, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với 2019. Trong đó: Sản phẩm gỗ 8,68 tỷ USD; gỗ 2,99 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 0,83 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là trụ cột lớn nhất với 6,1 tỷ USD, tăng 15%; tiếp đến là Nhật Bản 1,52 tỷ USD, tăng 10%; EU 1,13 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc 1,21 tỷ USD, tăng 5%... |