Ông Trần Bảo Minh cho hay, hiện có nhiều chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tiếp cận với Nutifood để đặt vấn đề hợp tác. Họ cần nguồn sữa tươi cao cấp để tạo ra các sản phẩm từ sữa cao cấp. Nguồn sữa sạch sẽ được sử dụng để làm bơ, phô mai, kem... Điều này cho thấy chăn nuôi bò sữa là ngành rất tiềm năng. Trang trại bò sữa của Nutifood tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai dù mới đưa vào khai thác được 4 năm nhưng kết quả mang lại rất tích cực. Ông Minh cho biết, một con bò sữa lứa mới nhập từ Mỹ về có thể cung cấp tới 40 lít sữa/ngày, tương đương mức sản lượng tại các trang trại ở Mỹ. Bên cạnh đó, chất lượng sữa ở đây có hàm lượng đạm cao, chất béo cao và sạch tuyệt đối. Nhờ nguồn nước sạch, không khí sạch, khí hậu mát nên trang trại bò sữa tại đây dịch bệnh ít, cho ra sản phẩm sữa chất lượng rất tốt, sản lượng cao. Ông Minh đánh giá, nhu cầu lớn đối với sữa tươi chất lượng cao mở ra cơ hội lớn cho Mang Yang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa được tiếp cận nguồn thông tin về chủ trương, đất đai... từ địa phương. Các nhà quản lý cần có quy hoạch, chiến lược tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên này, tạo ra những sản phẩm cao cấp mang về lợi nhuận lớn cho địa phương và đất nước. Nói về sự phát triển của ngành sữa trong nước, PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, cả nước có hơn 1.700 trại bò sữa, với quy mô trung bình 37,4 con/trại và nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con. Ngoài ra còn có gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa. Trong đó, có khoảng 15 trang trại lớn, có công nghệ hiện đại khép kín; số liệu chưa đầy đủ thì tổng đàn bò sữa cả nước hiện nay ước gần 400.000 con… Tuy nhiên, nguồn sữa nguyên liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ. Trong khi nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước lân cận. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, mỗi người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 26 - 28 lít, thấp hơn so với mức 35 lít/người của Thái Lan, 45 lít/người của Singapore, thậm chí các nước châu Âu lên đến 80 - 100 lít/người, Hà Lan 300 lít/người... Điều này cho thấy ngành sữa tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng sữa tươi của người Việt Nam sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, do đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt đối với các sản phẩm dinh dưỡng như sữa. GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đánh giá kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Mang Yang, Gia Lai sẽ giúp tăng tính tự chủ nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam, giảm phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu. Trong giai đoạn 2018-2020, Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỷ USD, tăng 12,56% so với năm 2020. PGS.TS Trần Quang Trung cũng cho biết, sữa sản xuất từ nguyên liệu trong nước đã xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường phát triển. Để đẩy mạnh xuất khẩu cho ngành sữa, vùng nguyên liệu tốt cần được nhân rộng tại những địa phương có thế mạnh về khí hậu, địa lý, trong đó có Mang Yang - Gia Lai. “Có doanh nghiệp phải tìm sang Úc, Lào để trồng cỏ nuôi bò sữa, tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội ngay ở trong nước để hội nhập tốt hơn” - PGS.TS Trần Quang Trung đặt vấn đề. |