Thông tin với các phóng viên báo, đài tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (diễn ra ngày 31/1/2017), Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (C74, Bộ Công an) Trần Viết Phương, cho biết, năm 2017, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, xử lý 9.942 vụ/7.488 đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, tàng trữ hàng giả trốn thuế, giảm 1.741 vụ (tương đương 15,7%) so với năm 2016. Trong đó có 3.945 vụ/ 3.635 đối tượng buôn lậu, tăng 626 vụ (chiếm 18,86%); 4.781 vụ/ 5.352 đối tượng vận chuyển hàng cấm; giảm 1.716 vụ (tương đương với 26,4%); 86 vụ/76 đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới, giảm 212 vụ (71,14%)… Xử lý vi phạm hành chính 3.524 vụ/3.617 đối tượng, giảm 303 vụ (7,9%); khởi tố 390 vụ/549 bị can, giảm 199 vụ (33,78%); 5.424 vụ tiếp tục xác minh và chuyển các cơ quan xử lý theo quy định; phạt tiền trên 175 tỷ đồng; truy thu 221 tỷ đồng. Ông Trần Viết Phương trăn trở: “Sự phối hợp trong trao đổi thông tin đấu tranh chống buôn lậu giữa các lực lượng đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, các lực lương chức năng ở Trung ương đã phối hợp nhịp nhàng với các địa phương xử lý triệt để nhiều vụ việc nghiêm trọng, làm “hạ nhiệt” tình hình buôn lậu. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng “rút quân”, tình hình buôn lậu ở các địa phương lại “tăng nhiệt”. Cũng theo ông Trần Viết Phương, trong quá trình đấu tranh lực lượng gặp nhiều khó khăn, bất cập, phương thức thủ đoạn của các đối tượng cầm đầu không trực tiếp vận chuyển mà đứng đằng sau điều hành các đường dây. Sử dụng người vận chuyển là cư dân biên giới có nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Các đối tượng che giấu hành vi buôn lậu bằng cách vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa của cư dân biên giới vận chuyển qua đường mòn lối mở đưa về các kho nội bộ, hợp thức hóa bằng hóa đơn nội bộ, sau đó phân chia công đoạn vận chuyển từ Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh về Hà Nội, gắn trách nhiệm với từng công đoạn vận chuyển. Do vậy công tác xử lý hình sự của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, giảm tính răn đe. Ví dụ như trong công tác đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển, do thiếu phương tiện, lực lượng Công an phải phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan để đối phó với các đối tượng sử dụng thủ đoạn sang mạn hàng hóa trái phép ở các khu vực có đường ranh giới biển chồng lấn. Nếu công tác trinh sát không sâu sát địa bàn thì sẽ rất khó xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu bị bắt giữ. Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Từ Quốc Lệ cho biết, đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu chủ yếu là cư dân biên giới. Công tác phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại có lúc, có nơi còn thiếu nhịp nhàng. Liệu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”? Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Đàm Thanh Thế, năm 2018, trong triển khai chương trình công tác, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã giao Văn phòng Thường trực phải phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, đánh giá tham mưu đề xuất hướng khắc phục, đặc biệt là chỉ rõ các cá nhân, đơn vị làm chưa tốt. Hiện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ (Quyết định số 1219 ngày 15/12/2017 về tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong cống tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của các bộ, ngành, địa phương). Theo đó, sau khi nhận ý kiến chỉ đạo, các lực lương chức năng phải triển khai, có chế độ báo cáo định kỳ, đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu. Văn phòng Thường trực tiếp nhận, đôn đốc lực lượng chức năng, cán bộ thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trả lời kịp thời. Tình hình buôn lậu còn diễn biến phức tạp có một phần nguyên nhân do việc phát hiện, bắt giữ không đánh trúng vào đối tượng đầu nậu. Do vậy các lực lượng chức năng: Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an đã đưa nội dung trên vào kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu theo tuyến, địa bàn trong điểm trong năm 2018. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, bảo kê, bao che, kịp thời động viên khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh, gian lận thương mại hàng giả. |