TPHCM: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 60% |
Các diễn giả trao đổi về các giải pháp thu hút đầu tư FDI tại diễn đàn. Ảnh: T.D |
Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 15/9.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2022, nhà đầu tư FDI đã “rót” khoảng 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Trong đó, TPHCM luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư FDI chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư FDI, TPHCM là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.
Nhận định về bức tranh đầu tư FDI tại TPHCM, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, qua thời gian, tỷ lệ đầu tư tại thị trường TPHCM ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực và tiến triển tốt. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam trong bối cảnh mới thực thi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên kết quả thu hút vốn FDI còn ít (214 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 1,6 tỷ đồng), FDI chưa tác động đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Các nhà đầu tư tại TPHCM bắt đầu thăm dò thị trường và theo xu hướng tăng theo từng năm. Những năm tiếp theo có đặc trưng từng giai đoạn và nhìn chung là tăng trường ổn định ở mức cao.
Hiện TPHCM đang có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ vào đầu tư với 10.925 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đạt 78,32 tỷ USD.
Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, TPHCM liên tục đứng đầu về số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với con số là 3,74 tỷ USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội cho các doanh nghiệp FDI và TPHCM có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này.
Tuy nhiên, theo ông Leif Schneider, các dự án đầu tư FDI vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép (hoặc phê duyệt M&A). Bên cạnh đó là yếu tố con người, Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi. Nhưng, với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất động về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc.
Theo đó, ông Leif Schneider đưa ra một số quan điểm nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư vào Việt Nam một cách hiệu quả. Trong đó, yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Về phía các nhà đầu tư, chính quyền TPHCM cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch, có thể biến “băng đỏ” thành “thảm đỏ”.
Ngoài ra, theo các đại biểu, để có thể thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI mới, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng TPHCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…