Thông qua Chương trình nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; đồng thời kêu gọi sự chung tay cùng hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng để ngăn chặn, đẩy lùi và cùng sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau do tai nạn giao thông gây nên.
Chương trình có sự tham dự của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội là cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; đại diện thành phố Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có gần 1,3 triệu người tử vong và gần 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã nỗ lực rất nhiều, nhưng mỗi năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, trên 11.000 người khác phải mang trên mình thương tật suốt đời.
“Chỉ riêng 11 tháng năm nay, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 đồng bào”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Đau đớn hơn, phía sau những cái chết do tai nạn giao thông là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương, hàng ngàn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời, hàng ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ.
“Hình ảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức giấc, nghẹn khóc giữa đêm khuya gọi mẹ, tìm cha mà không thấy đang bóp nghẹt con tim của mỗi chúng ta. Nỗi đau này cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Sự mất mát này là nỗi đau vô hạn không gì bù đắp nổi đối với dân tộc Việt Nam, cũng như mọi dân tộc trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Nhấn mạnh, ngay trong lúc này, mỗi chúng ta tưởng nhớ đến những đồng bào mất đi và tự nhắc nhở chính mình phải có những hành động thiết thực để kéo giảm tai nạn giao thông, để con trẻ mọi miền đất nước được đến trường trên những cung đường bình yên, để mọi nhà đều được sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về, Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Đồng lòng thực hiện: Đã uống rượu, bia - Không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông thực sự an toàn, văn minh, thân thiện.
Thay mặt Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có thân nhân không may qua đời do tai nạn giao thông tại Việt Nam. Ông cũng kêu gọi mỗi người hãy cùng giúp đỡ, sẻ chia, chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của các nạn nhân. Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm những đồng bào, đồng chí không may qua đời do tai nạn giao thông.
Trong khuôn khổ Chương trình “Người bạn đường”, các vị khách mời - những người bạn đường – đã chia sẻ nhiều câu chuyện ấn tượng, đó là những người “vác tù và hàng tổng” như cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nam (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhiều năm tham gia điều tiết phương tiện, giữ an toàn giao thông trước cổng trường học.
Hay chị Nguyễn Thị Minh (Tri Tôn, An Giang) 10 năm chuyên vá đường, lấp ổ gà để mọi người lưu thông được bình an. Chị Minh chia sẻ, đau lòng và ám ảnh trước cái chết của một cô gái bị sập ổ gà, ngã và tử vong tại chỗ, nhiều học sinh bị ngã, chấn thương vì đi vào ổ gà, chị đã quyết định tự mày mò cách vá đường bằng bê tông, nhựa đường và làm công việc ý nghĩa này suốt 10 năm qua, dù biết rằng công việc rất nặng nhọc.
Đó còn là câu chuyện vươn lên trên đôi nạng của cô gái Bế Thị Băng bị mất một chân khi vừa tốt nghiệp đại học. Thay vì phải ngồi xe lăn suốt đời như lời của bác sỹ, Băng đã cố gắng rèn luyện trên chiếc chân còn lại và cô có thể biểu diễn trên sân khấu đầy tự tin chỉ bằng một chân.
Ngày 27-10-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Lễ tưởng niệm được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động vào năm 2012 và từ năm 2013 được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.