Theo đó, 4 doanh nghiệp này gồm: Công ty CP Lương thực Đông Bắc, Công ty CP Lương thực Cao Lạng, Công ty CP Lương thực Lào Cai và Công ty CP Lương thực Hà Nam.
Xin cơ chế trong 2 năm tiếp
Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành về vấn đề có tiếp tục cho phép 4 doanh nghiệp nói trên tiếp tục xuất khẩu gạo qua biên giới, Bộ Công Thương đã đi đến thống nhất kiến nghị lên Thủ tướng vấn đề này.
Trên thực tế, việc xuất khẩu gạo qua biên giới của một số doanh nghiệp bằng cách sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Vinafood 1 đã được Chính phủ đồng ý từ năm 2014. Năm 2015, những doanh nghiệp này tiếp tục được gia hạn.
Báo cáo của Vinafood 1 cho thấy, năm 2015, mặc dù có nhiều biến động trong xuất khẩu gạo qua biên giới nhưng Vinafood 1 đã xuất khẩu qua biên giới được khoảng 38.000 tấn thóc, gạo. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị thành viên đã nhận được sự hỗ trợ của Vinafood 1, UBND các tỉnh biên giới và các cơ quan liên quan song cũng gặp phải một số khó khăn trong vận chuyển, thanh toán; phía Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu qua biên giới.
Mặt khác, do các đơn vị chỉ được sử dụng giấy chứng nhận của Tổng công ty trong thời hạn ngắn, từng năm một nên việc tiếp cận khách hàng bị gián đoạn và không ổn định.
Vì vậy, Vinafood 1 kiến nghị cho các đơn vị thành viên được sử dụng giấy chứng nhận của Tổng công ty trong thời gian từ 2-3 năm để tạo điều kiện ổn định xuất khẩu.
Khó vì Trung Quốc
Tuy đồng tình với đề xuất trên nhưng đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu liên quan tới mặt hàng tạm nhập tái xuất và chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi để giải quyết, cần có thông tin cụ thể, từ đó kiến nghị giải pháp phù hợp, có tính chất vĩ mô nhằm tác động trực tiếp và trong lâu dài tới hoạt động xuất khẩu gạo nói chung, không chỉ cho xuất khẩu biên mậu.
Thêm nữa, chưa có đầy đủ thông tin về sự liên quan giữa khó khăn trong vận chuyển và thanh toán với thời hạn sử dụng giấy chứng nhận của Tổng công ty.
Còn theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, các đơn vị thuộc Vinafood 1 phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg.
Về thời gian cho phép tiếp tục thực hiện, Bộ NN&PTNT đề nghị căn cứ vào thời gian Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để xác định thời gian cho phép các đơn vị trực thuộc Vinafood 1 tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận của Tổng công ty để xuất khẩu gạo qua biên giới không vượt quá thời gian nói trên.
Song theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc cho phép một số đơn vị trực thuộc Vinafood 1 được sử dụng giấy chứng nhận của Tổng công ty là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, không phải chỉ để thực hiện xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở theo các cơ chế thí điểm hiện hành.
Do vậy, thời hạn thực hiện cơ chế này không phụ thuộc vào thời gian thực hiện cơ chế thí điểm xuất khẩu gạo, nông sản qua một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới hiện nay.