Tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) trong tuần qua không có nhiều tiến triển,ênbốkhôngthểsốngtriềnmiênvớitiếntrìtrận tối qua với những bế tắc trong chính trường nước Anh tạo ra vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát cho xứ sở sương mù này. Trong khi đó, EU dường như đang mất dần kiên nhẫn với tuyên bố, EU không thể mãi “làm con tin” cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước Anh. EU tuyên bố không thể "sống triền miên với tiến trình Brexit”. Ảnh: Reuters Pháp là một trong những quốc gia EU bày tỏ sự mất kiên nhẫn nhất với tiến trình Brexit. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua (6/4) khẳng định, các nước EU không thể "sống triền miên với tiến trình Brexit". Ông cho rằng đã đến lúc cần có sự ra đi và giới chức Anh cùng Quốc hội nước này cần hiểu rằng EU sẽ không thể tiếp tục chịu đựng các vấn đề của nội bộ chính trường Anh. Tổng thống Pháp Emanuen Macron trước đó thì gay gắt hơn khi cho rằng, EU sẽ không mãi là con tin cho một cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh. Những tuyên bố của Pháp được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với Thủ tướng Anh Theresa May trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra tại Brussels, Bỉ, ngày 10/4 tới. Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng May đã đưa ra yêu cầu trì hoãn việc nước này rời khỏi EU đến ngày 30/6 tới, nhằm tạo điều kiện cho Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận "ly hôn" với EU. Tuy nhiên, với những người đứng đầu EU ngày càng mất kiên nhẫn trước sự tê liệt chính trị tại nước Anh, họ có thể đưa ra sự gia hạn ngắn hơn hoặc một khoảng thời gian dài hơn, lên đến 1 năm. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, Anh cần làm rõ lí do đối với đề xuất trì hoãn Brexit lần 2 này: “Tổng thống Pháp đã nói rất rõ ràng rằng, chúng ta cần hiểu gia hạn để làm gì? Nếu chúng ta không hiểu lý do tại sao Anh đề xuất gia hạn, chúng ta không thể có phản ứng tích cực. Chúng ta cần chính phủ Anh nêu rõ lý do Anh xin gia hạn. Quyết định của EU sẽ dựa vào câu trả lời của Anh đối với câu hỏi này”. Tuy nhiên, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng thận trọng khi cho rằng khó có nước thành viên EU nào sẽ bỏ phiếu phủ quyết việc gia hạn đề xuất của Anh, trong khi khẳng định ông vẫn ủng hộ trì hoãn Brexit kéo dài. Anh muốn nhận được sự gia hạn Brexit cần phải có sự ủng hộ của cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Phát biểu trước báo giới hôm qua, chính phủ Anh bày tỏ tin tưởng hầu hết các nước EU đều nhất trí quan điểm rằng cần kéo dài thời hạn Brexit. Trước sự gia tăng sức ép trong và ngoài nước với kế hoạch Brexit, Thủ tướng May hiện vẫn cố gắng phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội để đưa Anh rời khỏi EU cùng với một thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Philip Hamond hôm 6/4 thể hiện quyết tâm của chính phủ đàm phán với Công đảng đối lập để tiến tới một thỏa thuận thỏa hiệp. “Chúng ta nên cố gắng hoàn thành tiến trình này tại Quốc hội Anh. Tất nhiên đây là một con đường đúng đắn. Chúng ta nên sẵn sàng lắng nghe các gợi ý và cùng nhau đối thoại. Cách tiếp cận của chúng tôi với Công đảng đó là chúng tôi không có giới hạn đỏ. Chúng tôi tham gia các cuộc đối thoại này trên tinh thần cởi mở, thảo luận mọi thứ theo hướng xây dựng” Mặc dù vậy, lãnh đạo Công đảng Anh vẫn tỏ ra "khá thất vọng" khi cho rằng không có sự thay đổi hay thỏa hiệp nào trong 3 ngày đàm phán vừa qua. Bất chấp tiến trình Brexit đang bị trì hoãn và vẫn chưa rõ thời điểm Anh sẽ rời khỏi "mái nhà chung châu Âu”, Anh đã bắt đầu cấp hộ chiếu không có dòng chữ Liên minh châu Âu ở trang bìa. Bộ Nội vụ Anh hôm qua xác nhận một số hộ chiếu cấp từ ngày 30/3, thời điểm Brexit dự kiến ban đầu, không còn dòng chữ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một số giấy tờ đi lại mới được cấp sẽ vẫn có dòng chữ trên để tiết kiệm công quỹ. Bộ Nội vụ Anh cho biết sẽ không có sự khác biệt đối với công dân Anh trong việc sử dụng hộ chiếu có hay không có dòng chữ Liên minh châu Âu trên trang bìa, nhấn mạnh cả hai loại hộ chiếu này đều sẽ có giá trị như nhau trong hoạt động di chuyển của người dân./. |