Giá tiếp tục tăng trong tháng 3/2022 Chưa đầy 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 5 lần liên tiếp. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 hiện ở mức 26.280 đồng/lít, vượt qua cả mức đỉnh thiết lập vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Không bất ngờ về việc điều chỉnh tăng giá này, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng liên tục, khiến giá xăng dầu thành phẩm tăng là đương nhiên. Giá dầu thô tăng cũng đã được dự báo từ trước. Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trên đà phục hồi, đặc biệt là những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, EU..., khiến nhu cầu tiêu thụ tăng. Ở chiều ngược lại, nguồn cung không tăng kịp. Thứ hai, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Iran (cường quốc khai thác và xuất khẩu dầu thô) liên quan đến chương trình hạt nhân vẫn bế tắc, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu "hạ nhiệt". Bên cạnh đó, yếu tố không dự đoán trước được là quan hệ Nga - Ukraine; quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi nhanh chóng trong mấy tuần gần đây. Trước tình hình đó, giá dầu vẫn chịu sức ép tăng, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan. Ở trong nước, có yếu tố bất thường xảy ra là sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (hiện cung ứng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam), khiến phải giảm công suất. Với diễn biến hiện tại, chuyên gia Lê Quốc Phương dự báo, trong ngắn hạn, ít nhất là trong tháng 3/2022, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng nhẹ và giữ ở mức cao, sau đó giảm, nhưng không xuống quá thấp, dao động quanh ngưỡng 80-90 USD/thùng. Lý do là bởi, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang có dấu hiệu sẽ sớm được hóa giải khi các bên liên quan tìm được tiếng nói chung. Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Iran đã giảm bớt căng thẳng và 2 bên đang nỗ lực giải quyết xung đột. Khi 2 yếu tố trên được giải quyết thì nguồn cung sẽ tăng. Còn ở trong nước, sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ sớm được giải quyết, hoạt động sản xuất sẽ phục hồi 100% công suất nên áp lực tăng giá sẽ giảm xuống. Nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu Để bình ổn giá xăng dầu, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hoà sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu thế giới quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí. Trên thực tế, ngay tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022. Cũng đề cập tới vấn đề điều chỉnh thuế, ông Lê Quốc Phương bày tỏ quan điểm: “Nhiều người đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5%, nhưng tôi cho rằng, không nên, vì xăng dầu cũng như các loại hàng hóa, dịch vụ khác vừa được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, nếu giảm xuống 5% sẽ tác động ngay tới thu ngân sách nhà nước". Lý do được vị này đưa ra là, nếu ngân sách giảm thu sẽ không có nguồn để thực hiện các khoản chi bắt buộc như phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và làm tăng bội chi, nợ công... Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết. Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp... |