【kết quả của đức】Vơi bớt nỗi lo sạt lở
Hàng chục hộ dân sống dưới chân đèo Phú Gia nơm nớp nỗi lo sạt lở núi. Ảnh: V. THẢO |
Đến mùa mưa bão, không ít lần một số điểm trên đèo Phú Gia sạt lở, đất đá đổ xuống đường, nhà dân, gây hư hại vườn tược, tài sản của người dân.
Dẫu chưa có thiệt hại về người, song điều mà ai cũng có thể cảm nhận được đó là mối nguy có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản, nhất là đối với 32 hộ dân sống dưới chân đèo.
Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo huyện Phú Lộc cũng chia sẻ, trăn trở về vấn đề này. “Cứ đến mùa mưa, để đảm bảo an toàn, các địa phương lại lên danh sách sơ tán khẩn cấp các hộ dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - ông Trần Văn Minh Quân thông tin tại buổi họp báo.
Một nhà dân ở huyện Phú Lộc trước nguy cơ bị sạt lở núi đe dọa. Ảnh: LÊ THỌ |
Theo lãnh đạo huyện Phú Lộc, hiện, trên địa bàn huyện có hơn 70 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở núi, ở các thôn Trung Phước Tượng và Trung An (xã Lộc Trì); dọc tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình; thôn Bạch Thạch (xã Lộc Điền).
Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp chuyên đề lần thứ 20, HĐND tỉnh khóa VIII mới đây, nội dung này đã được đưa lên bàn nghị sự. Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và thống nhất về phương án đầu tư DA Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.
Tờ trình của UBND tỉnh cũng nêu rõ, báo cáo của đơn vị tư vấn về đánh giá tình hình sạt lở tại chân núi Phú Gia, vị trí sườn núi Phú Gia, thôn Phú Gia có xuất hiện vết nứt và sạt lở, có nguy cơ sạt lở trong điều kiện mưa lũ xảy ra, đe dọa đến sự an toàn của khoảng 32 hộ dân đang sinh sống dọc theo chân núi. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đợt mưa bão bất thường và trái mùa với cường độ ngày càng khó lường, khó đánh giá hết nguy cơ sạt lở trong khu vực. Do đó, giải pháp giảm tải sườn dốc bằng cách bóc bỏ toàn bộ khối trượt có thể vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn các nguy cơ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân sinh sống tại sườn núi Phú Gia và vùng ven chân núi Phú Gia trong mùa mưa, lũ.
Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt DA Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến. DA này cũng kết hợp di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở ven chân núi Phú Gia đến nơi ở mới ổn định, đảm bảo an toàn cho người dân.
Các hạng mục chính của DA là đắp đất, san gạt mặt bằng và trồng cây tạo mảng xanh tại khu vực chân núi Phú Gia với diện tích 2,94ha, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng. Qua đó, từng bước hoàn thiện cảnh quan Khu Kinh tế du lịch Chân Mây – Lăng Cô phù hợp quy hoạch chung Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh bổ sung một phần vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho DA từ nguồn của các DA khả năng không sử dụng hết và các DA khác không có khả năng triển khai trong giai đoạn 2021-2025, hoặc nguồn vượt thu ngân sách tỉnh nhằm đảm bảo đủ vốn để khởi công DA trong giai đoạn này; phần vốn còn lại sẽ tiếp sang kế hoạch trung hạn giai đoạn tiếp theo.
Thẩm tra nội dung này, ông Hoàng Phú, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh cho biết, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh; đồng thời cho rằng, đây là DA cấp bách, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục liên quan, cân đối, bố trí vốn để triển khai thực hiện…
Chủ trương đầu tư DA nêu trên cũng đã được HĐND tỉnh thông qua và dự kiến triển khai trong năm 2025 sẽ giúp hàng chục hộ dân dưới chân đèo Phú Gia vơi bớt âu lo mỗi khi đến mùa mưa bão.