Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết, Thông tư số 60/2019/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành vào ngày 30/8/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2019. Đây là Thông tư quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư 60/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Nhóm quy định chung; nhóm nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan; nhóm về cơ sở dữ liệu trị giá. Trong đó một số nội dung sửa đổi, bổ sung cần lưu ý gồm có các khái niệm quy định về phần mềm ứng dụng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị nhằm làm rõ một số khái niệm và giúp thực hiện các thủ tục xác định kê khai trị giá hải quan. Điểm lưu ý thứ 2, Thông tư 60/2019/TT-BTC quy định cơ quan Hải quan phải ban hành mẫu thông báo trị giá hải quan đối với các trường hợp xác định trị giá hải quan. Quy định này áp dụng tại tất cả các khâu trong và sau thông quan nhằm nâng cao tính pháp lý và minh bạch hoá việc xác định trị giá hải quan của công chức Hải quan. Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái, đây là căn cứ quan trọng để cơ quan Hải quan rà soát, quyết định việc xác định trị giá hải quan của công chức hải quan, Chi cục Hải quan, bộ phận kiểm tra sau thông quan, nhất là khi cơ quan Hải quan các cấp xem xét các trường hợp có khiếu nại về trị giá hải quan. Bên cạnh đó, quy định xác định trị giá hải quan tại Thông tư 39/2015/TT-BTC cũng được đưa trở lại Thông tư 60/2019/TT-BTC để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi. Nội dung quan trọng nhất trong xác định trị giá hải quan hàng hoá xuất khẩu là Thông tư đã quy định rõ cách xác định trị giá tương ứng theo các điều kiện giao hàng khác nhau: Hàng hoá nào được giao tại cửa khẩu xuất, hàng hoá nào không được giao tại các cửa khẩu xuất, từ đó khắc phục triệt để các vướng mắc trong thời gian qua. Ngoài ra, Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về xác định trị giá hải quan của hàng hoá có tính đặc thù như hàng hoá nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, hàng hoá được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp đồng mua bán và hoá đơn thương mại. Theo đó, quy định về xác định trị giá hải quan cơ bản dựa trên trị giá khai báo. Một số trường hợp cơ quan Hải quan có căn cứ về việc trị giá khai báo không phù hợp. Thông tư giao cơ quan Hải quan xác định trị giá hải quan. “Việc ban hành Thông tư này cùng với việc sửa đổi Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC (kiểm tra trị giá hải quan) và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư về Quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan sẽ tạo sự gắn kết đồng bộ giúp nâng cao hiệu quả và quản lý thuận lợi. Do vậy, đề nghị các DN phối hợp tốt với cơ quan để thực hiện tốt các quy định để Thông tư triển khai thuận lợi từ ngày 15/10 sắp tới”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái đề nghị. Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, việc thực hiện các quy định về trị giá hải quan phát sinh nhiều vướng mắc từ phía các DN. Để tháo gỡ các vướng mắc này, Thông tư 60/2019/TT-BTC đã có các quy định cụ thể về hồ sơ, giấy tờ DN phải nộp trong các quy định xác định trị giá hải quan giúp DN chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ. Bên cạnh đó, Thông tư cũng đã quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá và xác định trách nhiệm của DN trong việc khai báo nhằm đảm bảo tính minh bạch, đồng thời cập nhật thêm các quy định mới về trị giá hải quan… Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu- Tổng cục Hải quan đã giới thiệu đến các DN các nội dung mới của Thông tư 60/2019/TT-BTC, lưu ý các DN một số nội dung khi triển khai công tác trị giá hải quan trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đại diện Tổng cục Hải quan cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các DN liên quan đến việc khai bổ sung, phần mềm điều khiển, khai báo phần mềm, phí bản quyền… |