Siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách
Riêng về khoán xe công, đã nghiên cứu, thực hiện thí điểm trong ngành Tài chính; đồng thời Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô, hiện đang hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành theo hướng tạo cơ sở phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 30-50% đầu xe công, đồng thời qua đó giảm số lượng nhân viên lái xe, giảm chi phí đi kèm. |
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua.
Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tập trung điều hành thu ngân sách chủ động, tích cực; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu ngân sách. Đối với công tác quản lý thu ngân sách, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp quản lý thu, tích cực khai tha#c nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế.
Một nhiệm vụ được tập trung đẩy mạnh là chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Trong 2 năm 2016-2017, cơ quan Thuế, Hải quan đã thực hiện trên 187 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính gần 90 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN trên 31 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 57,6 nghìn tỷ đồng (thực chất là chống chuyển giá và gian lận trốn thuế). Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp phát hiện các sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, răn đe và phòng, chống tham nhũng, chuyển giá, trốn thuế...; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - NSNN.
Thu NSNN những năm gần đây đều vượt so dự toán Quốc hội quyết định (năm 2016 vượt 8,6% dự toán, năm 2017 vượt 6,3% dự toán); đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán, xử lý nhiệm vụ cấp thiết.
Trong tổ chức điều hành chi NSNN, quán triệt chủ trương kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, lồng ghép các chính sách, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; cắt giảm tối đa chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.
Cơ cấu chi chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% dự toán chi NSNN năm 2017 xuống 64,1% năm 2018 trong khi vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở 7%/năm; chi đầu tư phát triển tăng từ 25,7% dự toán chi NSNN năm 2017 lên 26,2% năm 2018). Cân đối ngân sách Trung ương và các địa phương được đảm bảo.
Hoàn thiện pháp lý về DNNN
Nhiều cử tri cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án sử dụng vốn nhà nước tại DN, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn, trong đó Nghị định số 87/2015/NĐ-CP tập trung vào vấn đề giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Việc kiểm tra, rà soát đánh giá hoạt động của DN (bao gồm các dự án đầu tư của DN) được thực hiện thông qua cơ chế quản lý tài chính và cơ chế giám sát tài chính đối với DN. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra theo các nội dung nêu trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền và trách nhiệm: Cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh; yêu cầu DN thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, cảnh báo; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN;...
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Với vai trò quản lý nhà nước nói chung, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với bộ ngành có liên quan thực hiện giám sát theo chuyên đề đối với các DN thuộc diện giám sát đặc biệt; trực tiếp giám sát DN theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng được phân công, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ.
Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành nêu trên, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Thuế, Kiểm toán Nhà nước... lập kế hoạch và tiến hành thanh, kiểm tra các DNNN, các đơn vị sử dụng vốn NSNN hàng năm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng, kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn về quản lý vốn, tài sản tại DN.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý DNNN, cử tri kiến nghị cần ban hành kịp thời các quy định pháp luật điều chỉnh để khắc phục tình trạng thất thoát tài sản, vốn của nhà nước khi thực hiện CPH.
Thực tế, chính sách, pháp luật về CPH DNNN trong thời gian qua đã được ban hành đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Chứng khoán; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Đất đai,… từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự CPH, phương pháp định giá, cơ chế đấu giá bán ra thị trường đến chế độ, chính sách đối với người lao động...
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình CPH trong giai đoạn 2011- 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2018 và được hướng dẫn bởi 2 thông tư do Bộ Tài chính ban hành nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói chung và chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, nhất là công tác xác định giá trị tài sản, đất đai của DN CPH.
Nhiều quy định của Nghị định 126 có đổi mới, đơn cử như, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình CPH, trọng tâm là khâu xác định giá trị DN, xác định giá trị quyền sử dụng đất đầy đủ vào giá trị DN CPH, thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng của tư vấn độc lập, Nghị định đã bổ sung phạm vi, đối tượng phải thực hỉện kiểm toán nhà nước trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố giá trị DN (DN có giá trị từ 1.800 tỷ đồng trở lên). Về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá, DN phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý phương án sử dụng đất trước khi CPH. Việc này đã khắc phục bất cập khi DN chuyển sang công ty cổ phần mới có ý kiến của địa phương về phương án sử dụng đất,…
Đặc biệt, cuối 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó đã hướng dẫn cụ thế về trình tự, thủ tục sắp xếp, xử lý nhà đất của các DN, trong đó có DN CPH.
Giải trình trước yêu cầu cắt giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính cho biết: Hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí qua các lần sửa đổi, bổ sung đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các chi phí cho DN và người dân, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Cụ thể: đã thực hiện cắt giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25% (năm 2009), xuống 22% (năm 2014) và xuống 20% (năm 2016) và quy định các mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15% và 17%; miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện cắt giảm sâu thuế xuất nhập khẩu theo cam kết hội nhập,... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. |