游客发表
发帖时间:2025-01-26 06:37:27
Đây là hoạt động lớn nhất trong chuỗi sự kiện liên quan đến chính sách nông nghiệp trong năm 2017 diễn ra tại Hà Nội, thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng của ngành nông nghiệp hiện nay.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thành viên Liên minh nông nghiệp cho biết, một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế, bao gồm các thể chế chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…).
Theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp của tổ chức Oxfam Việt Nam, với việc công nghiệp hóa nền nông nghiệp được thực hiện một cách cực đoan có thể đẩy những hộ sản xuất nhỏ lẻ thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
Vì vậy, giải pháp là làm sao lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, cũng như những chính sách bền vững nhằm giúp giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt cần có tiếng nói của những người nông dân trong các cuộc thảo luận kỹ thuật và chính sách.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thể chế nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu…, cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc chất lượng thấp, chế biến thô; các thể chế quan trọng liên kết như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại.
Không những thế, các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững… Vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một trong những vấn đề cụ thể theo ông là những khó khăn liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, đặc biệt là việc quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận hiện còn loay hoay, chưa phát huy được nhiều hiệu quả của các loại hình sở hữu trí tuệ này.
Thảo luận tại diễn đàn, các chuyên gia và nhà quản lý đã đề xuất hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm kiện toàn thể chế, hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và có trách nhiệm như nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa cho các hộ nông dân, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp, chủ động hội nhập quốc tế mở rộng thị trường, định vị lại sản phẩm nông nghiệp, đầu tư cho hệ thống đổi mới sáng tạo và dịch vụ công trong nông nghiệp…
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện thêm các chính sách về đất đai, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích của hộ nông dân trong sử dụng ruộng đất, chế định rõ cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền đó trong cơ chế thị trường.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết và thị trường, lợi nhuận thấp, liên quan đến đời sống của gần 70% dân số sống ở nông thôn, do đó, Nhà nước cần ban hành những chính sách tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và đảm bảo đời sống của người nông dân…
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接