Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên xoay quanh vấn đề này.
PV: Cục Thuế Thái Nguyên là 1 trong 13 địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử. Qua thực tiễn triển khai ông đánh giá thế nào về phương thức này?
- Ông Phạm Văn Chức: Việc ngành Thuế cho triển khai ứng dụng hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý lẫn người nộp thuế (NNT). Cụ thể: Khi sử dụng ứng dụng hoàn thuế điện tử, NNT thực hiện gửi các loại giấy tờ, hồ sơ và nhận kết quả hồ sơ hoàn thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế nên đã tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí.
Bên cạnh đó, hoàn thuế điện tử rất công khai, minh bạch; quá trình giải quyết hoàn thuế tại cơ quan thuế được cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế giúp người nộp thuế biết tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế của mình đang xử lý ở giai đoạn nào, cần bổ sung thông tin gì...
|
Điều đặc biệt hơn là giảm thiểu việc NNT phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, qua đó giảm tiêu cực trong quá trình giải quyết hoàn thuế GTGT. Vì vậy, có thể nói đây là một giải pháp tối ưu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.
PV: Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể của việc hoàn thuế điện tử trên địa bàn?
- Ông Phạm Văn Chức: Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc triển khai thí điểm hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử, Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai giai đoạn 1, với 50 DN được hoàn thuế bắt đầu từ 1/3/2017.
Dịch vụ hoàn thuế điện tử không phải là dịch vụ bắt buộc nên ngoài các công tác triển khai theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT sử dụng dịch vụ này được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Theo đó, Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi công văn tuyên truyền; tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ đến từng DN; tổ chức tập huấn... Nội dung tuyên truyền chỉ rõ lợi ích thiết thực mang lại cho NNT sau khi sử dụng dịch vụ, để NNT hiểu được và tự nguyện đăng ký.
Sau khi triển khai giai đoạn 1 tới 50 DN trên địa bàn, Cục Thuế đã nhận được sự đồng thuận cao của các DN. Cả 50/50 DN được lựa chọn đều nhất trí đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử.
Cùng với việc triển khai thành công giai đoạn 1, Cục Thuế Thái Nguyên đã tiếp tục triển khai mở rộng ứng dụng này trên địa bàn toàn tỉnh từ 1/8/2017. Các DN thuộc đối tượng sử dụng dịch vụ đều đồng thuận. Trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử, mọi vướng mắc phát sinh đều được cơ quan thuế giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng thời gian quy định.
Nhờ có những giải pháp, mục tiêu cụ thể được đưa ra, ngay khi bắt đầu triển khai, Cục Thuế Thái Nguyên là một trong những địa phương được Tổng cục Thuế biểu dương trong công tác triển khai hoàn thuế điện tử. Theo kết quả tổng hợp của Tổng cục Thuế, tính trong tháng 6/2017, số hồ sơ hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử tại Thái Nguyên đạt tỷ lệ 82%, với số tiền hoàn trên 81 tỷ đồng, đứng thứ 6 cả nước.
PV: Việc thí điểm hoàn thuế điện tử là một phương thức mới, áp dụng công nghệ hiện đại. Trong quá trình triển khai khó tránh khỏi bỡ ngỡ, vướng mắc. Cụ thể vướng mắc đó là gì, thưa ông?
- Ông Phạm Văn Chức:Trong thực tiễn triển khai thực hiện ứng dụng hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử, Cục Thuế Thái Nguyên vẫn còn có một số vướng mắc, khó khăn như: Hoàn thuế điện tử là một dịch vụ hoàn toàn mới, NNT chưa từng được tiếp cận và chưa biết được lợi ích của dịch vụ mới này nên khi triển khai nếu công tác tuyên truyền không tốt sẽ khó nhận được sự đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, dịch vụ hoàn thuế điện tử sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng của NNT và cách thức xử lý hồ sơ của cán bộ thuế. Đối với cơ quan thuế, việc tiếp nhận và trả kết quả bằng điện tử đòi hỏi cán bộ thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế phải hiểu rõ quy trình của hoàn thuế điện tử; sử dụng thành thạo ứng dụng để giải quyết kịp thời các lỗi phát sinh khi tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định.
Về phía NNT, khác với gửi hồ sơ khai thuế qua mạng là chỉ có thông báo xác nhận đã nộp tờ khai, khi sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử, sẽ có thông báo trả 2 bước, bước 1 mới chỉ là thông báo của cơ quan thuế về việc tiếp nhận hồ sơ; sau khi hồ sơ được hệ thống quản lý thuế tập trung TMS kiểm tra, nếu không có sai sót sẽ có thông báo bước 2 về kết quả nhận hồ sơ trả NNT; đồng thời, trong quá trình giải quyết hoàn thuế, NNT sẽ phải thường xuyên theo dõi kết quả trả về qua một hộp thư email đã được đăng ký với cơ quan thuế.
Vì là một dịch vụ mới, nên NNT sẽ không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử. Mặt khác, dịch vụ này không có tính bắt buộc, phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của NNT cũng như sự hỗ trợ của cơ quan thuế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của Cục Thuế Thái Nguyên, việc triển khai hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử đã đạt được thành công ngoài mong đợi, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá ngành.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kết quả lũy kế tính đến 13/9/2017, Cục Thuế Thái Nguyên đã thực hiện hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử cho 50 hồ sơ, đạt tỷ lệ 82%, với tổng số tiền được hoàn là 364 tỷ đồng, về trước 1 tháng so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao. |
Văn Tuấn (thực hiện)