Anh Phạm Văn Dũng trong vườn cam sành của gia đình
Từ thợ chuyên về cơ khí,m gikèo 1/4 là sao nhưng với niềm đam mê trồng trọt và khi cây tiêu, cao su của gia đình không cho năng suất cao vì đất bạc màu và bị rớt giá, anh Dũng đã học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Anh Dũng cho biết: “Trong một lần tham quan vườn trồng cam của người bạn quê tỉnh Vĩnh Long lên làm vườn tại Lộc Tấn, tôi thấy vườn trĩu quả. Mê quá, tôi nảy ra suy nghĩ là phải trồng bằng được vườn cam như thế”. Năm 2012, anh chuyển đổi cây trồng từ 1,5 ha tiêu sang trồng cam. Giống được anh lựa chọn mua từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre về trồng là loại cam sành trái to, mọng nước và ngọt.
Năm đầu tiên thu hoạch, vườn cam của gia đình anh Dũng cho trái bói với năng suất 30 tấn/ha. Với kỹ thuật chăm sóc học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân đi trước, anh tỉa bớt trái để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt ở các vụ sau. “Cam là loại cây thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng và chăm sóc; từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch là 3 năm. Tuy nhiên, cam cần độ ẩm cao, vì vậy để đạt năng suất, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ vườn cam. Nếu chăm sóc tốt, cây cam có thể cho trái trong 10 năm” - anh Dũng nói.
Với 1,5 ha, anh trồng 3.000 gốc cam. Năm nay vườn cam của gia đình anh thu hoạch năm thứ ba. Cam trĩu cành, trái to, đều và đẹp, năng suất đạt 60-70 tấn. Với giá bán trung bình từ 10-20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lời trên 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết: Nông dân Phạm Văn Dũng có hướng phát triển nông nghiệp khác so với trào lưu ở địa bàn. Qua 3 năm trồng, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Đây là mô hình điển hình mà Hội Nông dân xã tổ chức cho các chi hội tham quan học hỏi, nhân rộng.
Anh Dũng cho biết thêm: Để cam đạt năng suất, chất lượng, ngoài chọn được giống chuẩn, hằng tháng còn phải xịt thuốc, bón phân để phòng, chống các loại sâu bệnh hại cây. Loại phân anh chọn bón cho cây là phân hữu cơ để đảm bảo tuổi thọ của cây. Do áp dụng hình thức phun thuốc luân phiên nên khi cam đến vụ thu hoạch, gia đình ngưng phun thuốc trước đó 1 tháng, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái có múi như bưởi da xanh, sầu riêng, vì 2 loại cây này đang cho giá trị kinh tế cao.
Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhà nông Phạm Văn Dũng đã thành công khi chuyển đổi cây trồng trên đất vườn bạc màu của gia đình. Anh được huyện Lộc Ninh công nhận “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”.
Hoàng Mỹ - Đức Chuẩn