Được biết, tại công văn gửi Tổng cục Hải quan, Công ty TNHH Sumo Việt Nam cho biết, do khủng khoảng kinh tế nên Công ty gặp khó khăn về tài chính nên nợ hơn 2 tỷ đồng tiền thuế NK của năm 2012. Vừa qua, công ty đã nộp được khoản thuế trên nhưng phát sinh khoản chậm nộp với số tiền là hơn 1,375 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty TNHH Sumo Việt Nam đề nghị nộp dần khoản phạt chậm nộp thuế trong thời hạn 12 tháng.
Trả lời đề nghị này, Tổng cục Hải quan cho biết, tại Khoản 25 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 quy định: "4. Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp."
Bên cạnh đó, tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định: "Người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nhưng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ trong một lần thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước".
Với những quy định trên, trường hợp của Công ty TNHH Sumo Việt Nam nợ tiền chậm nộp nên không thuộc đối tượng được xem xét nộp dần tiền chậm nộp. Vì vậy, Công ty cần kịp thời nộp tiền chậm nộp còn nợ vào ngân sách nhà nước.