Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank đưa ra thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, trong 4 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, giá vàng không có biến động nhiều. Thay vào đó, mức độ tác động sẽ mang tính chất trung và dài hạn sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Tuy nhiên, thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cũng cho thấy, giá vàng có biến động tăng giảm khác nhau trong thời gian nắm quyền của mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Cụ thể, trong nhiệm kỳ của Tổng thống George Herbert Walker Bush (hay còn gọi là Bush cha, nhiệm kỳ 1989 - 1993), giá vàng giảm 19%. Nhưng đến thời Tổng thống George Walker Bush (Bush con, nhiệm kỳ 2001 - 2009), giá vàng tăng tới 215%. Đến thời kỳ của Tổng thống Barack Obama (2009 - 2017), giá vàng tăng 44% và trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống gần đây, giá vàng đều tăng. Cùng quan điểm với ông Khánh, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TPHCM nhận định giá vàng nhạy cảm với những biến động căng thẳng địa chính trị hơn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bởi khi mới lên nhậm chức, thị trường vẫn chưa nắm rõ chính sách của vị Tổng thống mới. Nên điều này khó tác động ngay lập tức đến hệ thống tài chính.
“Cần đợi vị Tổng thống mới lên nhậm chức và ban hành chính sách mới thì mới có tác động thực sự đến hệ thống tài chính cũng như giá cả hàng hóa thế giới” – ông Huân nhận định. Tương tự diễn biến của giá vàng, thị trường chứng khoán cũng được đánh giá là ít chịu tác động trong ngắn hạn từ các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thay vào đó là những tác động mang tính trung và dài hạn. Theo ông Huân, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, để cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tác động tới thì còn cần độ trễ hơn nữa. Bởi cần có thời gian cho việc truyền dẫn chính sách từ Mỹ về Việt Nam. Nhận định về diễn biến đi ngang của thị trường trong thời gian qua, ông Huân cho rằng nguyên nhân nằm ở yếu tố tâm lý của nhà đầu tư và mức thanh khoản ngày càng thấp trên thị trường. Thị trường cần có một động lực mạnh mẽ hơn và cần có sự tham gia của các nhà đầu tư mới.
Ông Huân chỉ ra rằng, hiện số lượng tài khoản chứng khoán mở mới không nhiều như giai đoạn trước. Bởi nhà đầu tư hiện có quá nhiều kênh để lựa chọn như vàng, bất động sản, tiết kiệm… Do đó, các nhà đầu tư mới vẫn đang đắn đo và đứng ngoài quan sát. “Cần có những thông tin thực sự nổi bật như thị trường Việt Nam được nâng hạng để tạo động lực cho nhà đầu tư mới hoặc thị trường phải giảm mạnh hơn nữa để tăng tính hấp dẫn” – ông Huân đánh giá. Một yếu tố nữa dẫn tới sự èo uột của thị trường chính là việc thiếu vắng những hàng hóa có chất lượng. Ông Huân lấy ví dụ việc nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ, nhưng tại thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nên nhà đầu tư gần như không có lựa chọn. Nói thêm về vấn đề thanh khoản, ông Khánh cho biết, thanh khoản đã giảm dần đều từ đầu năm và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở mức kỷ lục. Chính vì vậy, hiện mức độ tác động của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn ở mức 5-7%, giảm rất nhiều so với mức trên 10% trước đây, thậm chí có thời điểm xấp xỉ 20%. |