Lũy kế 9 tháng năm 2022, cơ quan Thuế đã thu thuế ước đạt 1.102.931 tỷ đồng. Ảnh: TCT. |
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 9/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 78.200 tỷ đồng, đạt 6,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 129,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, lũy kế 9 tháng năm 2022, cơ quan Thuế đã thu thuế ước đạt 1.102.931 tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán pháp lệnh, bằng 121,6% so với cùng kỳ năm 2021.
So với dự toán, có 17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 75%), trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 83,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 77,7%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 87,2%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 108,8%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 103,8%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 107,4%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 121,2%; thu từ xổ số ước đạt 84%; thu khác ngân sách đạt 115,6%; thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 80,2%...
Cùng với đó, có 61/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (đạt trên 75%) như: Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương,....
Tổng cục Thuế cho biết, số thu thuế đạt kết quả tích cực là do việc triển khai gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo các Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022, Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/05/2022 của Chính phủ cùng việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nguồn lực tài chính để người dân và doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng tác động đến kết quả thu ngân sách lũy kế 9 tháng năm 2022.
Theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, biến động khó lường từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, qua đó tác động không thuận đến nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm.
Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 889/CĐ-TTg, trong đó tập trung xây dựng cổng thông tin tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước theo phương thức tự động (điện tử); xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế về thương mại điện tử; nghiên cứu giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử với các bộ, ngành,....
Về hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và các công cụ khai thác, sử dụng, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế; chỉ đạo tổ chức chương trình hóa đơn may mắn tại 63 tỉnh, thành phố (trong tháng 10); triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền,...