Như thế, áp lực giải ngân từ nay đến cuối năm là rất lớn, trong khi các khó khăn của việc giải ngân vốn vẫn tiếp tục nảy sinh. KBNN đang trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn này.
Nên Xem xét lại việc tiết kiệm 10% chi phí của dự án
KBNN cho biết, để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, ngay từ những tháng đầu năm, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện kiểm soát chi (KSC), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trong đó, chú trọng những nội dung: Đơn giản thủ tục để rút ngắn thời gian KSC; thanh toán ngay cho các dự án đầu tư khi có khối lượng hoàn thành và có đủ điều kiện chi theo quy định; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp báo cáo...
Tuy nhiên, việc giải ngân chậm vẫn xảy ra với nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ. Với chức năng là kiểm soát, thanh toán vốn, KBNN đang đề nghị Chính phủ xem xét lại việc thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư trong từng dự án như quy định tại Nghị quyết số 89/NQ- CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm.
Theo KBNN, việc thực hiện tiết kiệm là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tiết kiệm chi phí của dự án phải cân nhắc sao cho không ảnh hưởng đến thủ tục đầu tư của dự án. Thực tế cho thấy, khi triển khai, thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với từng dự án sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Các chủ đầu tư sẽ phải thực hiện một số công việc và phê duyệt lại thủ tục đầu tư như: Tính toán, xác định lại chi phí tiết kiệm; tính toán lại và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư; phê duyệt lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, điều chỉnh quyết định đầu tư của dự án,...
Do đó, để phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ quy định nêu trên, theo hướng: Thực hiện tiết kiệm 10% chi phí của dự án khởi công mới thông qua công tác đấu thầu, hoặc công tác quản lý dự án; không áp dụng đối với các dự án chuyển tiếp, đang thực hiện dở dang.
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa cũng được KBNN chỉ ra là việc được phép kéo dài vốn sang năm sau. Cụ thể, theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trước ngày 30/4 các bộ, ngành, trung ương và địa phương sẽ được thông báo kế hoạch vốn năm 2016 được phép kéo dài sang năm 2017, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được, nên chưa gửi đến KBNN làm cơ sở giải ngân. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ODA vì đây là 2 nguồn vốn Chính phủ phải đi vay và phải trả lãi.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sửa quy định này theo hướng: Chậm nhất đến ngày 15/2 hàng năm, bộ, ngành trung ương và địa phương gửi danh mục dự án sử dụng vốn NSNN và đề xuất danh mục, lý do, mức vốn kế hoạch năm trước kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau. Chậm nhất đến ngày 28/2 hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải thông báo lại cho bộ, ngành trung ương và địa phương được biết.
Đề xuất làm rõ trách nhiệm gây chậm giải ngân
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, trước diễn biến của tình hình giải ngân, hàng năm, KBNN thường phối hợp với Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức buổi tọa đàm với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để lắng nghe và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện thanh toán vốn. Tuy nhiên, với tình hình năm nay, KBNN đang kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết số 60/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ làm đòn bẩy để đẩy mạnh việc giải ngân.
Tại nghị quyết mới, KBNN đề xuất quy định tỷ lệ giải ngân tối thiểu của từng dự án và của từng bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 30/9/2017. Hết thời hạn này, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trừ dự án giao kế hoạch vốn năm 2017 sau ngày 31/3/2017; dự án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trong năm 2017; dự án có hợp phần hoặc tiểu dự án giải phóng mặt bằng thì kiên quyết không giao kế hoạch vốn năm 2018.
Đối với các bộ, ngành địa phương đến 30/9/2017 có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn năm 2017 (sau khi đã loại trừ những dự án như trên) thì điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2017 giữa các bộ, ngành hoặc giữa các địa phương đối với nguồn vốn trung ương giao cho địa phương quản lý (như: Nguồn vốn trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, nguồn vốn trái phiếu chính phủ); hoặc thu hồi để giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan gây chậm trễ trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 thuộc phạm vi quản lý...
Vân Hà