Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York,ênHợpquốckhởiđộngThậpkỷphụchồihệsinhthánhan dinh psg Mỹ, ngày 25/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong bối cảnh thế giới đang phải cùng lúc đối mặt với 3 mối đe dọa về môi trường gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng, trước thềm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi huy động "nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất."
Trong tuyên bố khởi động Thập kỷ Liên Hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái ngày 4/6, Tổng Thư ký Guterres cảnh báo Trái Đất đang tiến tới "thời điểm không thể quay đầu" khi nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng.
Ông nêu rõ: "Chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội chúng ta. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỷ người - tương đương 40% dân số thế giới."
Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hợp quốc nhấn mạnh điều may mắn là Trái Đất có khả năng phục hồi và "chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra".
Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái, ông cho rằng "chúng ta có thể thúc đẩy một sự chuyển đổi góp phần vào việc đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững."
Theo ông Guterres, việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, tạo ra lợi nhuận hơn 7.000 tỷ USD/năm và giúp xóa bỏ đói nghèo.
Tổng Thư ký Guterres mô tả "thập kỷ phục hồi" là "một lời kêu gọi hành động toàn cầu", sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính.
Ông chỉ ra rằng 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, đẩy lùi làn sóng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.
Tổng Thư ký kêu gọi mỗi người dân cùng đóng góp sức lực của mình để "ngày hôm nay là khởi đầu của một thập kỷ mới - một thập kỷ mà cuối cùng chúng ta có thể chung sống hòa bình với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người."
Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quóc đã kêu gọi tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này chính thức công nhận việc được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh và bền vững cũng là "một quyền con người."
Được kỷ niệm hằng năm vào ngày 5/6, Ngày Môi trường thế giới là dịp để Liên hợp quốc khuyến khích người dân trên thế giới nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường như ô nhiễm môi trường biển, hiện tượng ấm lên toàn cầu, tiêu dùng bền vững và nạn săn bắn động vật hoang dã.
Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia cùng tham gia bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030)./.
TheoVietnam+