Chị L., ở Phú Diên, Phú Vang có hai con gái đã lớn, nhưng áp lực về con trai nối dõi nên dù đã 40 tuổi chị vẫn do dự và muốn có thêm con với hy vọng sinh được con trai. Vì vậy, chị cũng không chủ động phòng tránh thai. Cuối cùng, chị cũng có bầu lần 3 khi đã ngoài 40 tuổi. Chưa vui mừng được bao lâu vì bầu lần thứ 3 là con trai thì chị phải đối mặt với nhiều rủi ro khi chị mang bầu lúc khá nhiều tuổi. Những lần lên về bệnh viện để làm những xét nghiệm, sàng lọc trước sinh đã khiến chị L. bất ổn về tâm lý. Và điều không may xảy ra, khi chị L. vừa sinh con cũng là lúc chị bị trầm cảm nặng mà nguyên nhân chính là vì sức khỏe chị không được đảm bảo và những lo lắng tích tụ trong thời gian chị mang thai. Đứa trẻ mới sinh vì thế dù rất khỏe mạnh, nhưng lại thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của mẹ. Thật may mắn, khi bên cạnh chị L. là các con, chồng và gia đình nội ngoại luôn yêu thương chăm sóc, sau gần 3 năm chống chọi với bệnh trầm cảm sau sinh, cuối cùng chị L. cũng dần bình phục. “Khoảng thời gian đó thật sự kinh khủng, nếu cho thời gian quay lại tôi sẽ không đánh đổi sức khỏe, đánh đổi tất cả như vậy chỉ vì để có thêm con trai. Sinh con ra là lúc tôi bắt đầu trầm cảm nặng, có cho con bú và bế ẵm con được lần nào đâu... Hơn ai hết, là phụ nữ, nhất là khi mình đã ngoài 40 thì việc lựa chọn những biện pháp tránh thai an toàn là điều rất quan trọng”, chị L. bộc bạch. Cũng giống như chị L, chị N.T ở Bình Tiến, thị xã Hương Trà cũng có hai con gái. Mặc dù chị phải chịu nhiều áp lực sinh con trai cho đủ nếp đủ tẻ, nhưng vợ chồng chị nhất quyết không sinh thêm con. “Trai, gái gì cũng được, miễn là nuôi con khôn lớn, cho con học hành đến nơi, đến chốn. Hơn nữa, tuổi cũng không còn trẻ nếu mang thai tôi biết mình sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro. Vì thế tôi luôn chủ động tìm cho mình những biện pháp phòng tránh thai an toàn cho bản thân”, chị N.T chia sẻ. Không chỉ những người phụ nữ đã có gia đình vì nhiều lý do mà đứng trước những nguy cơ mang thai mất an toàn, mà ngay cả những em gái tuổi vị thành niên cũng đã và đang được các cơ quan, ban ngành liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tư vấn lợi ích của tránh thai và cảnh báo nguy cơ nếu mang thai lớn tuổi, Thạc sĩ, Bác sĩ CKI. Hà Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tỉnh cho biết: Mang thai là một hành trình kỳ diệu. Đó là thiên chức tuyệt vời của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mang thai khi cơ thể mẹ không đủ điều kiện sức khỏe hay chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai và sinh con, nuôi con nhỏ thì gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới cả thể chất và tinh thần của người mẹ, ảnh hưởng đến cuộc sống chung của cả gia đình. Việc chủ động phòng tránh thai sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể: Tránh tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi không sinh con quá sớm, quá dày hoặc quá muộn, đặc biệt ở phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến sản khoa. Sinh con khi người mẹ lớn tuổi (>35 tuổi) làm tăng tỷ lệ dị tật thai. Còn sinh nhiều, sinh dày, người phụ nữ dễ bị tai biến khi sinh, thậm chí là thai chết lưu và suy dinh dưỡng… Người phụ nữ nên chủ động trong việc sinh đẻ của mình bằng cách chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc và giáo dục con được toàn diện, cũng như nâng cao chất lượng đời sống của gia đình. Chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe tình dục về sau. Nếu mang thai khi lớn tuổi (>35), sẽ đối mặt với một số nguy cơ cho mẹ và thai nhi như: Sinh non, trẻ nhẹ cân khi sinh, thai chết lưu, bất thường nhiễm sắc thể ở trẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai, huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ … |