Miếng dán tan mỡ, nở ngực đang được quảng cáo quá đà? Ảnh minh họa
Cái gì cũng dán
Bạn có nhu cầu tan mỡ, giảm cân cấp tốc, thị trường có nhiều sản phẩm (SP) đáp ứng ngay. Ghé cửa hàng uudaigia.com (Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1), người bán chào hàng miếng dán (MD) tan mỡ Slim Belly Patch giá 105.000đ/hộp mười miếng, kèm tư vấn: “Mỗi ngày dán một miếng từ 12 - 24 tiếng; dán vào ban đêm vì đó là lúc cơ thể tích trữ mỡ nhiều, miếng dán sẽ đốt cháy mỡ; không có tác dụng phụ, không dị ứng vì làm từ đương quy, trạch tả, rễ cây hoàng cầm…”.
Trên một diễn đàn mạng, nhiều người giới thiệu có người nhà ở Mỹ xách tay về MD giảm cân hiệu quả chỉ sau 45 phút sử dụng, giá 3,3 triệu đồng/hộp bốn miếng, tặng kèm kem để tăng hiệu quả. Các trang mua hàng theo nhóm cũng giới thiệu rất nhiều miếng dán tan mỡ xuất xứ Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông như Sim Belly, Kiyeski, Hot Fire… giá từ 290.000 - 590.000đ/hộp.
Theo quảng cáo, các MD phổ biến như Warm Sap, Foot Patch, Essen, Kinotakara, Kinoki có tác dụng giải độc cơ thể, hoặc MD giảm cholesterol, hút axit - uric trong máu và những chất độc tích tụ… chiết xuất 100% từ nguyên liệu quý hiếm như dấm gỗ, bột ngọc trai, silica tinh khiết… giá 250.000 - 830.000đ/hộp mười miếng.
Muốn phòng muỗi, côn trùng cho trẻ em, thì cũng có MD đuổi, phòng tránh sốt rét và sốt xuất huyết với mẫu mã đa dạng, ngộ nghĩnh để thu hút trẻ.
Thậm chí, thị trường còn có hàng loạt MD nở ngực, hút mụn mà theo lời tư vấn của nhân viên một cửa hàng (đường Nguyễn Trãi, P.Bến Thành, Q.1), thì dán vào ngực sẽ to hơn sau tám giờ, và đạt cỡ cực đại chỉ sau sáu ngày sử dụng (!?) giá 750.000đ/hộp bốn miếng.
Miếng dán tan mỡ, nở ngực có nguy cơ tgây dị ứng. Ảnh minh họa
Nguy cơ mang thêm bệnh
Đó là khẳng định của hầu hết các bác sĩ (BS), khi chúng tôi đề cập đến việc thị trường có nhiều loại MD với nhiều tính năng như nêu trên.
BS Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng, với MD tan mỡ, nếu không biết rõ thành phần là gì mà chỉ ghi là chứa thảo dược, hóa dược, chất bảo quản… trong khi đó, lỗ chân lông luôn mở, khi dán lên da sẽ đưa chất lạ vào da, có thể gây dị ứng với triệu chứng ngứa, nổi mề đay, viêm da tiếp xúc tại chỗ…
Hoặc nặng hơn có thể gây sốc phản vệ, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Có người dị ứng chỉ xảy ra 24 giờ sau nhưng cũng có người sau một tuần đến vài tháng, thậm chí đến vài năm sử dụng mới xuất hiện dị ứng. Ngoài các phản ứng trên da, những chất chứa trong MD có thể gây tương tác thuốc với các thuốc mà người sử dụng đang dùng để điều trị một bệnh nào đó. Riêng với miếng dán đuổi muỗi, BS Trần Thế Viện khuyến cáo, tại Trung Quốc, một số hương đuổi muỗi có sử dụng hóa chất DDT (dichloro diphethyl thrichloretane) không có tác dụng hiệu quả để đuổi muỗi mà còn gây độc hại đến cơ thể.
“Lỗ chân lông là nơi khai thông tuyến bã nhờn, bài tiết mồ hôi chứ không bài tiết được mỡ và trong ngành thẩm mỹ chưa có một công nghệ hỗ trợ hoặc dụng cụ nào có thể làm tan mỡ qua lỗ chân lông. Còn MD nở ngực, thực tế cũng không có tác dụng như quảng cáo. Chưa kể có thể gây dị ứng, viêm tắc lỗ chân lông, viêm nứt đầu vú, tắc tuyến sữa…” - BS Ngô Anh Kiệt - Trưởng khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Triều An khuyến cáo.
BS Trần Văn Năm - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, trong hướng dẫn sử dụng miếng thuốc dán đều có ghi, cần ngâm chân bằng nước ấm hoặc massage chân trước khi dán. Một số người cảm giác khỏe ra, ăn ngon, ngủ được sau khi dùng MD có thể là do sự lưu thông của máu và dịch chất trong mạch bạch huyết tốt hơn nên tăng cường thải độc khỏi cơ thể chứ không do MD.
PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo: các loại MD có thể gây tác dụng phụ liệt đối giao cảm là làm cho khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ)… Ở trẻ em, khi dùng MD chống nôn có thể bị hoảng loạn, rối loạn ý thức, la khóc bất thường, hoa mắt nhìn không rõ. Nếu dán một lúc nhiều miếng có thể bị quá liều gây tai biến. Trẻ dưới tám tuổi không dùng miếng dán Kimite chống say tàu xe.
Theo PNO
Miếng dán, vợt điện đuổi muỗi bị thu hồi