BP - Những ngày qua,ệpTrungQuốcđangđiềukhiểnthịtrườnghồtiecircuViệstrasbourg đấu với lorient nhiều tờ báo đăng thông tin Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cảnh báo doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là chiêu “độc” thuộc về bản chất của phương thức mua bán thương gia Trung Quốc là “lợi mình - hại người” đã được nhiều nước trên thế giới tẩy chay. Đặc biệt, với hồ tiêu Việt Nam đã nhiều lần bị “nhân tai” từ phía các DN Trung Quốc làm hại.
TẠO “MA TRẬN”
VPA đề nghị các DN thận trọng khi thực hiện giao dịch với DN mua bán hạt tiêu của Trung Quốc. Theo phản ánh của một số DN là hội viên VPA, cuối tuần tháng 7 và đầu tháng 8-2017 có một nhóm DN Trung Quốc điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam. Tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu có hiện tượng nhóm người Trung Quốc đến đặt mua tiêu. Điều bất thường là DN Việt Nam ra giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán. Sau đó, họ thuê khách sạn gần trụ sở của DN xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng. Theo thông lệ, thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ vẫn không chuyển và luôn khẳng định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ.
Vườn tiêu chăm sóc theo quy trình hữu cơ hóa từ năm đầu tiên ở xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh)
Cùng thời gian này, vì biết DN xuất khẩu sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký nên chính nhóm DN Trung Quốc này tỏa đi các địa bàn giao dịch với đại lý thu mua hồ tiêu ở vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của Việt Nam và hứa sẽ bán cho đại lý (với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó). Các đại lý này thấy lời nên đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, DN Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại với giá cao. Lúc đó, vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với họ, thương lái Trung Quốc sẽ bán hồ tiêu cho các đại lý với giá tăng nóng tự đặt ra.
Hiện một số DN xuất khẩu khi điện thoại lại với thương lái Trung Quốc thì tất cả đều “không liên lạc được”. VPA cho rằng phương thức này đã làm cho DN xuất khẩu của Việt Nam lo thực hiện hợp đồng (thường họ ký với số lượng khá lớn khiến DN thấy lợi nhuận tốt) với DN Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được. Tuy nhiên, sau đó DN Trung Quốc lại không thực hiện hợp đồng khiến DN Việt Nam vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín với các đối tác truyền thống. Theo đó, DN Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu. DN Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường.
“LỢI MÌNH - HẠI NGƯỜI”
Năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu về thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW) đã công bố kết quả khảo sát tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc. Kết quả, có 26/38 nước, người dân nước sở tại không hài lòng với cách làm ăn của người Trung Quốc. Họ cho rằng người Trung Quốc chỉ xem trọng lợi ích của mình mà xem thường lợi ích của đối tác, qua việc áp dụng triết lý kinh doanh “lợi mình - hại người”.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh thiệt hại bởi “nhân tai” từ phía DN Trung Quốc thì người dân và DN Việt Nam phải hiểu rõ cơ chế tác động từ ma trận mua bán nguy hại của thương nhân Trung Quốc. Thủ thuật mà người Trung Quốc thực hiện là đóng vai cả người mua và người bán chỉ trong một nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Đầu tiên là việc tạo dư luận về nhu cầu rất lớn, rất gấp một sản phẩm nào đó để khởi nguồn cho hoạt động cung - cầu. Tiếp theo là dùng một khoản tài chính rất nhỏ (khoản này sau đó sẽ được thu lại toàn bộ) để tiếp sức cho ít nhất 3 đối tác lực lượng trung gian là thương lái, tạm gọi là các đối tác A, B và C. Theo đó, chủ hàng Trung Quốc sẽ đưa thời hạn giao hàng khác nhau cho 3 đối tác theo thứ tự A, B, C với nguyên tắc đối tác được đặt hàng trước tiên thì giao cuối cùng, đối tác đặt hàng cuối cùng thì giao trước tiên. Sau đó, chủ hàng sẽ hối thúc C giao hàng. Vì đã tính toán nên chủ hàng Trung Quốc biết C không thể có hàng để giao đúng thời hạn và có nguy cơ phải bồi thường. Lúc này người mua “kẻ ẩn mặt” là chủ hàng Trung Quốc thông qua một lực lượng trung gian khác “tiếp thị” sẽ thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa của đối tác B cho C biết. Và do B chưa tới thời hạn giao hàng nên sẽ bán cho C, còn C sợ bồi thường nên phải mua giá cao để giao trót lọt lô hàng đầu tiên. Vậy là B bán hàng cho C mà không hề biết rằng người mua đã tính toán là B sẽ lại có nguy cơ như C (thiếu hàng giao) nên tiếp tục phải mua hàng của A. Đến lượt A (thiếu hàng) nên phải mua từ chính chủ hàng Trung Quốc với giá cao.
Vậy là cả A, B và C cứ chạy lòng vòng theo sự điều khiển của chủ hàng Trung Quốc với sức ép về thời gian giao hàng, số lượng hàng hóa và giá cả theo tính toán có lợi cho họ, nhưng thiệt hại thuộc về người Việt Nam. Khi chủ hàng thấy nguy cơ bại lộ và mục đích đã đạt được thì mọi việc chấm dứt một cách đột ngột. Hậu quả là hàng kho sản phẩm không có người mua, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người sản xuất và các tầng nấc trung gian.
PHẢI KHẮC PHỤC ĐIỂM YẾU
Cuối tháng 7 và tuần đầu tháng 8-2017, giá tiêu ấm lên, tăng 10-12.000 đồng/kg so với đầu tháng 7. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện sụt giảm 50%. Nguyên nhân dẫn tới sự “lao dốc” về giá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là bởi tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, trong khi diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.
Tuy nhiên, điểm lại “toàn cảnh” ngành hồ tiêu những năm gần đây, dễ thấy, tiêu luôn là sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, “đánh bật” nhiều loại cây trồng như cà phê, cao su... Vì thế, tình trạng người dân bất chấp mọi cảnh báo, đổ xô phá bỏ các loại cây trồng khác, ưu tiên đất cho cây tiêu phát triển không có gì lạ.
Ở một góc độ khác, ngoài vấn đề cung vượt cầu, chất lượng chưa thực sự đảm bảo cũng là một trong những yếu tố khiến tiêu xuất khẩu của Việt Nam gặp khó và giá thấp hơn nhiều so với các nước sản xuất hồ tiêu trọng điểm trên thế giới. Trong thực tế, ở những địa phương nào xây dựng liên kết giữa DN và nông dân, tạo chuỗi sản xuất khép kín thì chất lượng xuất khẩu hồ tiêu luôn đạt 80-90%. Tuy nhiên, mô hình này đang còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ ở các tỉnh trồng tiêu trọng điểm của Việt Nam. Đơn cử, Bình Phước có mô hình liên kết DN - nông dân điển hình nhưng chỉ mới có hơn 1.000 ha/tổng diện tích hồ tiêu là hơn 14.000 ha và gần 1.500 tấn/tổng sản lượng 30.000 tấn có liên kết Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice và 24 câu lạc bộ tiêu sạch bền vững.
Các chuyên gia ngành hồ tiêu cho rằng, hồ tiêu đã và đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Để phát triển tốt ngành hàng, ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu, không bị tác động của các DN Trung Quốc, thay vì chỉ đánh giá thực trạng, chỉ ra nguyên nhân vỡ quy hoạch, cung vượt cầu, có lẽ cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt hơn “xốc” lại nhiều vấn đề. Đơn cử như xây dựng lại một quy hoạch chặt chẽ căn cứ trên nhu cầu tiêu thụ thực tế kết hợp với định hướng, khuyến cáo rõ ràng hơn cho người nông dân. Ngoài ra, tích cực phối hợp với các hiệp hội, DN “đầu tàu” trong ngành hồ tiêu, siết chặt việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng tiêu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cũng là điều mà cơ quan quản lý cần thúc đẩy.
P.Hà (tổng hợp)