Bác sĩ Trần Hoài Ân (giữa),ãynóivềđồngnghiệpcủatôlịch thi đấu bóng đá epl trưởng kíp phẫu thuật. Ảnh: Th. Hiếu
Không để sai sót
Hỏi về thành công của những ca ghép tim “xuyên Việt” mới đây, bác sĩ Ân nhẹ nhàng: “Hãy nói nhiều hơn về các đồng nghiệp ở trung tâm tôi. Nếu không có họ, tôi sẽ không làm được nhiều hơn khả năng của mình”. Nghe bác sĩ Ân chia sẻ, tôi tò mò hơn về những người làm nên kỳ tích này ngay ca ghép tim “xuyên Việt” lần thứ nhất. Hơn 4 năm trước, bệnh nhân T., 52 tuổi, huyện Phú Lộc bị những cơn đau tim hành hạ, đi đứng run rẩy. Nhà nghèo nhưng bệnh nhân T. cố chạy chữa khắp nơi. Khi đến BVTW Huế, các bác sĩ chẩn đoán anh T. bị suy giãn cơ tim, nếu tồn tại sự sống chỉ còn phương án thay tim. Một kết luận buồn, gia đình anh T. rơi vào tuyệt vọng, bởi nhiều yếu tố là điều kiện tài chính và đặc biệt nguồn tạng hiến từ Trung tâm điều phối Quốc gia rất hiếm.
Trong điều kiện khó nhưng bác sĩ Ân luôn gần gũi chia sẻ động viên và kỳ vọng cho bệnh nhân T. gặp “phép màu”. Chính bác sĩ Ân đưa tên bệnh nhân T. vào danh sách chờ ghép tim của BVTW Huế. Những tháng ngày chờ đợi của bệnh nhân T. là thời gian bác sĩ Ân đau đáu mong chờ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo có những trường hợp cho tim.
Cánh cửa cuộc đời của bệnh nhân T. bắt đầu mở lần hai vào ngày 15/5 vừa qua, khi nhận nguồn tin hiến tạng từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia có một người cho chết não tại BV Việt Đức (Hà Nội) với các chỉ số tương thích. Ngay hôm ấy, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng ghép tạng BVTW Huế chỉ đạo, bác sĩ Ân cùng các đồng nghiệp triển khai kế hoạch hỏa tốc đến Hà Nội phối hợp đánh giá sự tương thích của nguồn tạng người cho với bệnh nhân T.
Sáng 16/5, quả tim chuyển về BVTW Huế bằng đường hàng không chỉ mất chưa đến 3 giờ đồng hồ. Ngay sau đó, bác sĩ Ân đứng đầu nhóm phẫu thuật tim, cùng kíp gây mê hồi sức đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ quả tim bệnh lý và ghép quả tim hiến khỏe vào cơ thể bệnh nhân T. Tất cả đều khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra sai sót dù là một chi tiết nhỏ nhất. Tổng thời gian thiếu máu là 5 giờ 30 phút nằm trong giới hạn cho phép thiếu máu của quả tim ghép là 4-6 giờ. Sau 1 ngày được ghép tim, bệnh nhân T. được rút nội khí quản, thở bình thường và tiếp xúc với bác sĩ và người nhà.
Gần 1 tháng sau ca ghép tim “xuyên Việt” thứ nhất, bác sĩ Ân lại chủ công lại thực hiện thành công ca ghép tim “xuyên Việt” lần thứ hai rạng sáng 14/6 trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách. Trước đó một ngày (13/6), Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại BV Việt Đức phù hợp với bệnh nhân PVC. (15 tuổi) suy tim giai đoạn cuối trong danh sách chờ ghép tim tại BVTW Huế. Bác sĩ Ân cùng ê kíp lên kế hoạch tức tốc “bay” ra Hà Nội trong đêm để phối hợp thẩm định sự tương thích của các chỉ số giữa bên hiến và bên nhận. Lúc này, bác sĩ Ân tính toán kỹ không cho phép sai số từng giây, nhất là về mặt thời gian chuyển quả tim hiến từ BV Việt Đức vào BVTW Huế bằng đường hàng không. Khác với lần thứ nhất, quãng đường vận chuyển tạng dài hơn do phải bay vào Đà Nẵng mới thuận lợi cho thời điểm phẫu thuật lấy tạng, sau đó quả tim mới được vận chuyển bằng ô tô từ Đà Nẵng về Huế đúng 2giờ 30 sáng (thời gian từ khi lấy tim tại BV Việt Đức về đến BVTW Huế chỉ 3giờ 30 phút, sớm hơn kế hoạch dự kiến 4giờ). Ngay sau đó, bác sĩ Ân cùng đồng nghiệp tiến hành “lắp ghép” tỷ mẩn, chính xác đến 6 giờ sáng mới thở phào. 9 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân C. hồi tỉnh, huyết động ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại Khoa Gây mê hồi sức tim mạch, BVTW Huế. Chức năng tim ghép rất tốt, có phân suất tống máu (EF) là 61%.
Nhớ lại hai ca ghép tim “xuyên Việt” vừa qua, bác sĩ Ân tâm sự, các ca phẫu thuật đều kéo dài nhiều giờ liền đầy căng thẳng, khẩn trương, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong từng động tác và công đoạn của hàng chục y, bác sĩ. Hai trường hợp này đã thực hiện với kỹ thuật ghép tim tiên tiến nhất thế giới, mà các y, bác sĩ BVTW Huế không cần các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế gửi điện hoa chúc mừng các ê kíp phẫu thuật và BVTW Huế, bác sĩ Trần Hoài Ân khiêm tốn: “Các đồng nghiệp của tôi ở đây rất nhanh nhạy, sáng tạo, bài bản và chuyên nghiệp với công việc; đặc biệt GS Phạm Như Hiệp, dù đang bận họp Quốc hội nhưng trực tiếp chi đạo, bám sát hành trình các ca ghép tim, đồng thời có mặt kịp thời động viên chúc mừng các bệnh nhân và đồng nghiệp “.
Dấn thân
Không phải sau hai ca ghép tim “xuyên Việt” thành công mà cái tên bác sĩ Trần Hoài Ân được mọi người nhắc đến. Từ năm 2010, bác sĩ Ân đã là thành viên chính trong ê kíp của BVTW Huế thực hiện thành công hai trường hợp ghép tim đầu tiên được thế giới biết đến tinh thần giàu y đức, y thuật của Việt Nam.
Vốn xuất thân từ gia đình nghèo ở vùng biển xã Vinh Hiền (Phú Lộc), năm 1986, vừa tốt nghiệp ở Trường đại học Y Dược Huế, anh có những năm tháng làm bác sĩ quân y tại chiến trường Lào và Campuchia. Trở về quê, anh vào công tác tại Khoa Lồng ngực tiết niệu, BVTW Huế rồi tiếp cận với lĩnh vực tim mạch. Thời điểm này, chuyện phẫu thuật, mổ tim ở Việt Nam chưa dám nghĩ đến bởi năng lực chuyên môn, trang thiết máy móc lạc hậu chỉ giải quyết được các bệnh ngoại khoa thông thường. Nhiều đồng nghiệp lúc ấy cho anh là “hâm” việc dễ không theo sao chọn chuyên ngành vừa tổng hợp, chuyên sâu để rồi phải dấn thân khi cánh cửa tương lai chưa rộng mở. Thế nhưng, bác sĩ Ân kiên định quan điểm: “Phải tập trung vào ngành mũi nhọn. Nếu không có mũi nhọn, Việt Nam sẽ không biết Huế và thế giới sẽ không biết Việt Nam”.
Bằng nghiên cứu cập nhật các kỹ thuật mới và may mắn có dịp tiếp cận, trao đổi chuyên gia nước ngoài đến BVTW Huế đã giúp anh nâng cao kỹ năng, chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch. Trưởng thành và kinh nghiệm hơn khi anh có thời gian nắm bắt nhiều kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật tim mạch hàng đầu thế giới tại Pháp vào những năm cuối thập niên 90. Bác sĩ Ân tự hào: “Các bác sĩ Việt Nam không những có khả năng hòa nhập với sự phát triển của y học thế giới mà còn có thể tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của ngành tim mạch học thế giới”.
Hiện nay, ngoài công tác quản lý, bác sĩ Trần Hoài Ân cùng các đồng nghiệp làm chủ kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật những ca bệnh khó, phức tạp hiếm gặp, như mổ động mạch vành, thay quai động mạch chủ, thay van tim, mổ tim một thất cho trẻ sơ sinh (nặng 2-2,5 kg)... với tần suất mỗi ngày 4-5 trường hợp.
Không chỉ hoạt động chuyên môn, bác sĩ Ân theo dõi, lập kế hoạch mang kỹ thuật can thiệp tim mạch đến các bệnh viện trong cả nước để hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao “cầm tay chỉ việc” từ việc đánh giá bệnh nhân, tổ chức phương án triển khai đến thực hiện cụ thể trên từng ca bệnh. Nhiều năm nay, bác sĩ Ân và đồng nghiệp tích cực phối hợp với các tổ chức từ thiện trong, ngoài nước để can thiệp phẫu thuật mang lại hàng trăm trái tim khỏe cho trẻ em nghèo, người có trái tim tật nguyền ở vùng sâu, vùng xa.
Nói về kế hoạch sắp tới, bác sĩ Ân ngắn gọn: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để giúp đỡ bệnh nhân có cuộc sống vui tươi hạnh phúc hơn và cầu mong ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái hiến tạng để danh sách chờ ghép tim ở BVTW Huế ngày càng ngắn hơn”.
Hơn 30 năm hoạt động ở lĩnh vực tim mạch, thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoài Ân nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ, ngành Trung ương, địa phương; trong đó được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì sự nghiệp can thiệp phẫu thuật tim mạch Việt Nam. Với hai ca phẫu thuật ghép tim “xuyên Việt” mới đây, Bộ Y tế đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp Bằng khen nhằm động viên ghi nhận công lao của thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoài Ân và lan tỏa việc tốt. |
Minh Văn