(CMO) “Đảm bảo nhu cầu thiết yếu nhất, đặc biệt là chỗ ở cho người dân đang bị thiệt hại trong đợt lốc xoáy vừa qua”, đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trong chuyến kiểm tra thực tế tại huyện U Minh vào chiều 31/7.Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, trên địa bàn 8 huyện và TP Cà Mau đều ghi nhận mưa, dông lốc làm thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu, cây trồng và tài sản khác. Cụ thể, dông lốc đã làm 4 người bị thương, thiệt hại 347 căn nhà, trong đó sập 70 căn, tốc mái và hư hỏng 277 căn, 1 dãy nhà trọ bị tốc mái, 1 khu du lịch bị hư hỏng một số hạng mục; nhiều cây xanh, trụ điện bị ngã, đổ, ước tổng thiệt hại trên 9,4 tỷ đồng đồng. Đến thăm hỏi tại các hộ dân bị thiệt hại trên địa bàn thị trấn U Minh và xã Khánh Thuận (huyện U Minh), Đoàn công tác của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử gửi lời thăm hỏi, chia sẻ động viên bà con nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng thời gửi đến những hộ bị thiệt hại một phần hỗ trợ về vật chất là 5 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị sập, 3 triệu đồng trường hợp nhà tốc mái.
Là một dân bị thiệt hại gần như hoàn toàn, anh Huỳnh Minh Tân, Khóm 4, thị trấn U Minh, bàng hoàng kể lại: "Hơn nửa đời người, mới thấy gió lớn như vậy. Chỉ trong vòng vài phút toàn bộ tài sản trong nhà từ tủ lạnh, tivi máy giặt,… gần như toàn bộ bị cuốn xuống sông gần đó, phần mái nhà thì nằm trên nóc nhà của hộ kế bên. Tài sản tích góp đến nay gần như không còn gì, phải bắt đầu lại từ đầu chỉ sau vài cơn gió.
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: "Địa phương có 107 căn nhà tốc mái và sập hoàn toàn. Huyện đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, dân quân tự vệ xuống địa bàn hỗ trợ dọn dẹp, tạo điều kiện cho người dân ổn định chỗ ở. Hiện, huyện đang phải tiếp tục kiểm đếm phân loại, phần nào thuộc trách nhiệm của huyện thì sẽ tiến hành hỗ trợ cho người dân".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, chính quyền địa phương nhanh chóng thống kê, phân loại thiệt hại cũng như những nhu cầu bức thiết của người dân để tập trung hỗ trợ kịp thời. Trước tiên, phải đảm bảo điều kiện ăn ở và nhu cầu tối thiểu, đặc biệt là chỗ ở. Tập trung lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, thu dọn cây đổ, ngã cũng như sắp xếp lại nhà cửa. Nâng cao nhận thức của người dân, ý thức của người dân trước các loại hình thiên tai để có thể giảm thấp nhất thiệt hại. Riêng đối với cây rừng, ông Lê Văn Sử yêu cầu, nhanh chóng thống kế để hoàn thành các thủ tục cho người dân tận thu, không để bà con chịu thêm thiệt hại chỉ vì chậm trong thủ tục. Ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát lại những công trình phòng chống thiên tai, các công trình thuỷ lợi phục vụ trà lúa hè thu để chủ động điều tiết nước, tránh thiệt hại khi có thời tiết xấu hơn trong thời gian tới./.
Nguyễn Phú – Chí Diện |