Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình Kỳ họp thứ 8 vào ngày 4/11/2024, từ góc độ ngư dân, đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang đã chia sẻ “nhiều tàu phải nằm bờ nhớ về thời hoàng kim trong sự thổn thức, nhiều ngư phủ phải rời biển nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh”. Nguyên nhân do giá hải sản lao dốc, trong khi chi phí ra khơi thì leo thang, tình trạng cạn kiệt ngư trường… cùng nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách. Theo đại biểu Châu Quỳnh Giao, một số chính sách cũng chưa sát với đời sống. Chẳng hạn, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi một số điều về thi hành Luật Thuỷ sản đã đưa ra quy định về chiều dài của con cá ngừ vằn được phép khai thác phải tối thiểu là 50 cm. Nhưng điều này trong thực tế rất khó đáp ứng, bởi vì mỗi một chuyến đi biển về như vậy thì sản lượng chỉ đạt từ 10-15%, có tỉnh như Bình Định chỉ có 2-3%. “Do đó, những con tàu tiếp tục lại nằm bờ trong mấy tháng nay và những doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ xuất khẩu - một ngành hàng chủ lực đã lâm vào bế tắc”, đại biểu Châu Quỳnh Giao nói. Cũng về chính sách, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đại biểu đánh giá là rất nhân văn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý lại chưa ban hành chính sách khoanh nợ, chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá… nên gây khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp yên tâm vươn khơi bám biển. Vì thế, cùng với việc kiến nghị sớm tháo gỡ những vướng mắc trên, đại biểu Châu Quỳnh Giao cho rằng cần thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường thế giới về vấn đề xuất khẩu thuỷ hải sản.
Nhưng trong phần tranh luận, đại biểu Phạm Phú Bình (đoàn Nghệ An) lại cho rằng “bức tranh” về công tác quản lý nghề cá và hải sản như đại biểu Châu Quỳnh Giao có phần tiêu cực.
Bởi hiện nay, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra “thẻ vàng”. Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, yêu cầu cũng như quy định và chính sách liên quan. Về thực thi, các địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực tăng cường các biện pháp đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU. Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác quản lý đánh bắt IUU. Giải trình về vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề phát triển bền vững về trữ lượng tài nguyên biển của chúng ta mới là quan trọng, IUU là một bước để chúng ta tiến tới sự phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng khẳng định những khuyến cáo của EC đã được cải thiện rất nhiều, đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra của EC ghi nhận, nhiều địa phương đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp… nên Bộ trường đề nghị cần tiếp tục hợp lực trong lần làm việc cuối cùng của EC sắp tới. |